Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các DN ở các lĩnh vực, nhiều DN bị hạn chế tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh thu giảm mạnh, lao động phải nghỉ việc..., điển hình như các lĩnh vực dệt may, vận tải, xây dựng, sản xuất thiết bị cơ khí, điện tử, bán lẻ, du lịch...
Tại địa bàn tỉnh Phú Thọ, một số DN phải tạm ngưng hoạt động, tiết giảm sản xuất, doanh thu giảm 50-90% so với thời điểm trước dịch. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dự báo thời gian tới, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Có thể thấy, dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho các DN, trong đó có các DN mới khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty Dệt Phú Thọ, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì cho biết: “Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới việc mua nguyên vật liệu, nhân công, kỹ thuật, tiếp cận khách hàng, dòng vốn... làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sự vào cuộc, hướng dẫn kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng và sự nỗ lực, cố gắng của DN đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn, giúp DN sớm ổn định, duy trì sản xuất”.
Còn theo ông Vũ Hữu Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quazt Việt Nam, Khu công nghiệp Thụy Vân: Trong 40 năm hoạt động sản xuất, kinh doanh, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành chức năng đã giúp DN phát triển vượt bậc, doanh thu tăng từ 30 tỉ đồng năm 2015 lên đến hơn 400 tỉ đồng năm 2021. Đã có 80% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu, 20% trong nước. Thời gian này, chúng tôi tập trung vừa thực hiện tốt các biện pháp chống dịch, vừa rà soát, chuẩn hóa lại tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, phát huy sáng tạo, đổi mới kỹ thuật công nghệ để thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty sẵn sàng hoạt động hiệu quả hơn nữa. Chúng tôi tin rằng, với các biện pháp quyết liệt của các cấp, ngành trong việc khống chế dịch bệnh sẽ sớm ổn định tình hình để DN có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh...”.
Để giảm bớt khó khăn cho các DN, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng phối hợp thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh” và “Về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19”… Qua đó tạo điều kiện để các DN khai thác tốt nhất những khả năng và nguồn lực hiện có, chủ động điều chỉnh kế hoạch để vừa sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, tăng cường cải tiến kỹ thuật, đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, tỉnh đã quan tâm khuyến khích, hỗ trợ DN tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường quảng bá, bán hàng trực tuyến thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, các kênh mạng xã hội...
Chuyển đổi số, tạo đột phá trong sản xuất
Mặc dù, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các dự định, ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.
Trong “nguy” có “cơ”, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đặc biệt quan tâm, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này, từ đó giúp khơi thông chuỗi cung ứng, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có, tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý, những năm trở lại đây, nhiều DN đã và đang thực hiện chuyển đổi số, bước đầu đạt hiệu quả, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, từ đó vươn lên khẳng định thương hiệu, liên kết, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cao hơn.
Trước xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, công nghệ là yếu tố gần như không thể thiếu để hội nhập và cạnh tranh. Một số DN đã ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh sáng tạo, tiến hành chuyển đổi số, tự động hóa các dây chuyền sản xuất, dần thay đổi quy trình, công nghệ và quản trị; đổi mới phương thức kinh doanh, tận dụng nền tảng của mạng xã hội, khẳng định chất lượng sản phẩm, cạnh tranh về giá, từ đó giúp DN chăm sóc, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng tốt hơn, tiết kiệm nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đạt được những thành công bước đầu.
Để ứng phó tốt với đại dịch COVID-19, theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh, người đứng đầu phải thực sự bản lĩnh, vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Trong đó, các DN cần đặc biệt nhấn mạnh vào ba vấn đề gồm nhân sự phù hợp, có chiến lược khác biệt và quản trị đặc thù để ứng phó với khủng hoảng ngay tại thời điểm xảy ra. Để thích ứng với tình hình hiện nay, một số DN đã không ngừng đổi mới, chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử, mở rộng kênh mua sắm trực tuyến bằng giải pháp cam kết giá bình ổn và giao hàng nhanh, nhất là ngành hàng thực phẩm, đồ uống. Nhiều DN đã tăng cường việc đặt hàng và giao hàng qua điện thoại. Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục, liên hệ bằng các hình thức gọi điện trực tiếp, hoặc chụp hình gửi qua zalo, facebook, tin nhắn… theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được giao tới nhà.
Từ xu hướng tiêu dùng cũng như nhu cầu của người dân trong thời điểm hiện nay, các DN cần mạnh dạn chuyển đổi sang các sản phẩm mà xã hội đang cần, vừa duy trì hoạt động vừa tạo việc làm cho người lao động. Có thể khẳng định, thời gian tới, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều DN cần nỗ lực, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số hơn nữa, từ đó biến thách thức thành đón bắt các cơ hội của thị trường, trụ vững và phục hồi, phát triển.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).
Hưng Phúc