Trước hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, phần lớn đề xuất của các doanh nghiệp FDI là làm sao để duy trì được sản xuất ở mức cao nhất có thể trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Việc giãn cách xã hội kéo dài khiến sản xuất của chúng tôi bị đình trệ, ảnh hưởng đến nguồn cung. Dù hiện tại đang trong tình trạng hơi khó khăn, nhưng tôi vẫn có cái nhìn lạc quan trong thời gian tới nếu có thêm các giải pháp chống dịch phù hợp và tiêm vaccine sớm nhất có thể", ông Narukama, Trưởng Ban Môi trường Kinh Doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho biết.

Các doanh nghiệp FDI được đánh giá là loại hình doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều lao động, tỷ trọng hàng xuất khẩu cao tại nhiều địa phương trên cả nước.
Các doanh nghiệp FDI được đánh giá là loại hình doanh nghiệp có tỷ trọng hàng xuất khẩu cao tại nhiều địa phương trên cả nước.

"Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, Samsung đã tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng của Samsung tại thành phố Hồ Chí Minh sớm hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến chúng tôi sẽ đạt vượt mức mục tiêu xuất khẩu của năm nay", Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho hay.

Các giải pháp đang áp dụng hiện nay như "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường", "3 điểm xanh" dù cho thấy hiệu quả, nhưng vẫn gặp phải một số bất cập. Trong đó, đa phần các doanh nghiệp cho rằng các giải pháp cần được áp dụng linh hoạt với từng địa phương và doanh nghiệp.

"Năm nay chỉ còn hơn 3 tháng nữa, nhưng chúng ta có thể tận dụng cơ hội khá hiệu quả vì hiện nay Việt Nam rất thuận lợi để phát triển hoạt động sản xuất, có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang muốn đầu tư vào Việt Nam", ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), nhận định.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, cơ hội bứt phá của các doanh nghiệp FDI, cũng như khả năng thu hút nguồn vốn này tại thị trường Việt Nam vẫn khả thi nếu các khó khăn hiện nay được tháo gỡ.

"Vì quý 4 thường là quý bứt phá của đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp cũng như công tác xúc tiến đầu tư của nhà nước, nên khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2021 vẫn giữ được gam màu sáng với tổng vốn đăng ký cấp mới tương đương năm 2020, nhưng vốn thực hiện có thể tăng hơn", ông Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh.

Thực tế, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021 được đánh giá là tương đối khả quan, cùng với chương trình hành động tại Nghị quyết 58 thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây được coi là giai đoạn chuẩn bị quan trọng để đón làn sóng đầu tư hậu Covid-19.

Trúc Mai