Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2024 cả nước có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong tháng 1/2024 đạt 151.451 tỷ đồng, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, vào năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cả nước cũng ghi nhận có 159.294 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả trên, năm 2023 là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2022.

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2024 cả nước có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. ( Ảnh minh họa).
Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 1/2024 cả nước có 13.536 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023. ( Ảnh minh họa).

Đặc biệt, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý của năm 2023: Cụ thể, vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 310.331 tỷ đồng trong quý I; 397.126 tỷ đồng trong quý II; 379.319 tỷ đồng trong quý III và Quý IV đã tăng lên mức 434.483 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ, từ 0-10 tỷ đồng. Cụ thể, quý I/2024, trong tổng số với 13.536 doanh nghiệp thành lập mới thì có tới 12.432 doanh nghiệp có quy mô dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,8%. Các doanh nghiệp này chủ yếu thuộc nhóm ngành dịch vụ với 10.177 doanh nghiệp, chiếm 75,2% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 24,4% so với năm ngoái. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có 3.208 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,7% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản ghi nhận 151 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nói về lý do doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng: Bên cạnh việc tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về đăng ký kinh doanh cho các loại hình kinh tế, cơ quan này đã hoàn thiện và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp để quy định về việc liên thông đăng ký hộ kinh doanh, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023.

Năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng đã tiếp tục mở rộng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước; cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp; đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và sử dụng dịch vụ công về đăng ký doanh nghiệp.

Về cải cách môi trường kinh doanh, theo ông Phùng Quốc Chí – Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: Việt Nam sẽ là 1 trong 60 quốc gia đầu tiên được Ngân hàng Thế giới đánh giá về môi trường kinh doanh theo Bộ Chỉ số mới B-READY, kết quả sẽ công bố tháng 4/2024. So với nội dung trước đây tại Báo cáo Doing Business, nội dung về Khởi sự Kinh doanh tại Báo cáo B-READY sẽ đề cập đến các vấn đề mới và sẽ có phạm vi rộng hơn với nhiều chỉ tiêu không có trước đây. Đây là một trong những thách thức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của nước ta trong thời gian tới.

Hồng Nhung (t/h)