Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Với rất nhiều nỗ lực, tâm huyết và sự đồng lòng của toàn dân, Việt Nam được đánh giá đã triển khai tích cực, có hiệu quả những giải pháp ứng phó; đồng thời đã kiểm soát bước đầu được dịch bệnh với trọng tâm là bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người.

Tuy nhiên, khả năng duy trì, chống chịu và "sức khỏe" của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp trong nước như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Doanh nghiệp lại “gồng mình” chiến đấu với dịch Covid-19Doanh nghiệp lại “gồng mình” chiến đấu với dịch Covid-19

Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Kiểm soát dịch bệnh đã khó, hỗ trợ, giúp sức để doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh càng khó khăn không kém.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích thị trường trong nước đang chứng kiến những tác động trực tiếp của dịch bệnh. Đó là, tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc; tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo đảm đơn hàng cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt, sản xuất kinh doanh đình đốn, người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm...

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó trong việc duy trì sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên. Đó là những tác động trực tiếp trên diện rộng của dịch COVID-19.

Việt Nam đứng trước những tác động vô cùng lớn từ hệ lụy của dịch bệnh và cuộc suy thoái toàn cầu, dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Dẫn chứng là trong những tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh.

Có 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% cho rằng, doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Cũng theo VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% số doanh nghiệp được khảo sát chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Trên 75% số doanh nghiệp thì báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động.

Hàng hóa bị ngưng trệ tại Trung Quốc

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Vinapharma-Group cho biết: “Tình hình dịch bệnh đã gây ra rất nhiều khó khăn trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam, điển hình như làn sóng doanh nghiệp phá sản ở liên minh châu âu EU và những con số biết nói về suy giảm doanh nghiệp, một số doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị một số thủ tục cần thiết cho việc... phá sản”.

Bà Hằng cho biết thêm: “Sự khó khăn thách thức với các doanh nghiệp có thể nhìn thấy trước mắt, khi các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Đài Loan, Dubai đang bị thắt chặt, hàng hóa bị ngưng trệ... trong khi đó vẫn phải duy trì nguồn nguyên liệu và các khoản chi phí khác khiến doanh nghiệp hết sức lao đao, thị trường trong nước lại tiếp tục lâm vào khó khăn khi mới đây lại phát hiện các ca nhiễm mới”.

Nhiều hàng hóa bị ngưng trệ tại Trung QuốcNhiều hàng hóa bị ngưng trệ tại Trung Quốc

Nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, cần tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đa dạng thị trường, khai thác tận dụng các thị trường mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Hiệu ứng của dịch COVID-19 không chỉ đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam yêu cầu phải tái cấu trúc thị trường, mà việc tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí trong thời gian dịch bệnh cũng là những gợi ý về mô hình và cách thức tổ chức lại cuộc sống theo hướng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thực tiễn cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể giảm chi phí nhiều hơn, tiết kiệm nhiều hơn và thiết thực hơn. Đó cũng là một giải pháp quan trọng.

Việc hoàn thiện hệ thống thể chế tích hợp với thực hiện Chính phủ điện tử và với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển bền vững… chắc chắn sẽ khơi nguồn cho những động lực mới trong nền kinh tế. Đây chính là những biện pháp cấp bách trong tình hình khó khăn, nóng bỏng vì dịch bệnh như hiện nay.

Trúc Mai