Cụ thể, trong quý I, HAG ghi nhận doanh thu thuần gần 1.380 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mảng trái cây tiếp tục giữ vai trò chủ lực khi mang về hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 72% tổng doanh thu và tăng 13% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 311 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mảng chăn nuôi heo lại sụt giảm mạnh, chỉ thu về 76 tỷ đồng, giảm tới 74%.

Trong quý I, HAG đạt lợi nhuận gộp hơn 564 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện nhẹ, từ 40,1% lên 40,9%. Theo doanh nghiệp, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ hiệu quả của mảng kinh doanh chuối – sản phẩm chủ lực với biên lợi nhuận cao.

Bên cạnh đó, khoản lỗ từ hoạt động tài chính trong kỳ giảm 53 tỷ đồng nhờ chi phí lãi vay thấp hơn sau khi Tập đoàn tất toán phần lớn dư nợ trái phiếu. Đồng thời, việc hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn cũng góp phần tích cực vào việc cải thiện lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Internet)

Chi phí hoạt động trong quý được HAG kiểm soát hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả kinh doanh. Cụ thể, chi phí tài chính giảm 39%, chi phí lãi vay giảm 15%, chi phí bán hàng giảm 4% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6%. Nhờ việc tối ưu chi phí, lợi nhuận ròng của HAG trong quý I đạt gần 341 tỷ đồng – mức cao nhất trong nhiều quý trở lại đây. Kết quả này giúp doanh nghiệp thu hẹp khoản lỗ lũy kế xuống còn gần 83 tỷ đồng tính đến ngày 31/3/2025, tương đương mức giảm 80% so với đầu năm.

Tổng tài sản của HAG tại thời điểm cuối quý I đạt 23.479 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền mặt tăng gấp đôi, lên gần 316 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng ghi nhận mức tăng nhẹ 7%, đạt 8.065 tỷ đồng. Trong đó gồm 1.744 tỷ đồng phải thu khách hàng, 1.072 tỷ đồng trả trước cho người bán, 2.750 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 2.549 tỷ đồng từ các khoản phải thu ngắn hạn khác.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAG tăng 4%, lên 5.240 tỷ đồng, chủ yếu ở các dự án vườn cây ăn quả, hệ thống chăn nuôi và cơ sở hạ tầng nông trường. Trong khi đó, tổng nợ phải trả đạt 13.735 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm; riêng dư nợ tài chính chiếm 55%, tương đương 7.504 tỷ đồng.

Trước việc cổ phiếu tiếp tục bị cảnh báo, HAG đã phát hành văn bản ngày 14/4, công bố lộ trình khắc phục. Doanh nghiệp đặt mục tiêu từ 2025-2028 sẽ tập trung khôi phục tăng trưởng, tối ưu chi phí và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Bước sang năm 2025, HAG định hướng mở rộng thị phần nội địa song song với việc củng cố và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như chuối, sầu riêng và heo ăn chuối.

Trên sàn chứng khoán, phiên giao dịch ngày 15/4 ghi nhận cổ phiếu HAG tăng trần lên 12.150 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 24% chỉ sau 4 phiên, với thanh khoản bình quân đạt gần 7 triệu đơn vị mỗi ngày.

Hà Trần (t/h)