Những đề xuất cụ thể
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 6/2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đăng ký có 315.248 doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là DNNVV chiếm 97%. Đến đầu năm 2021, trong 6 tháng có 13.125 doanh nghiệp được đăng ký mới với số vốn là 165.000 tỷ đồng, tăng 4 % về số lượng doanh nghiệp, nhưng lại giảm 7 % về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, thủ tục giải thể của các doanh nghiệp là 1.582 doanh nghiệp và tăng 33 % so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt có hơn 7.200 doanh nghiệp đang đăng ký tạm dừng hoạt động và tăng 15 % so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.600 doanh nghiệp, tăng 74 % so với cùng kỳ,...
Do tình hình Covid-19, các doanh nghiệp ở Hà Nội nói riêng đã khó khăn rất nhiều. Theo khảo sát của Hiệp hội đối với 1.500 doanh nghiệp thành viên, hiện nay có 57% các doanh nghiệp đang hoạt động rất cầm chừng, 38% doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, còn các doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc chờ giải thể thì có 2,6%, chỉ có 1,4% các doanh nghiệp đang hoạt động rất tốt.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết: “Nghị quyết 68 được Chính phủ ban hành ngày 1/7/2021 sẽ là đòn bẩy tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong giai đoạn khó khăn này. Chúng tôi mong muốn đối với gói hỗ trợ này, Chính phủ có kế hoạch triển khai một cách cụ thể, nhanh chóng, kịp thời, chính xác”.
Đối với gói hỗ trợ lần thứ nhất, các thủ tục thực hiện thường mất từ 45 ngày, thậm chí 3 tháng mới nhận được hỗ trợ, nên việc này cần cố gắng triển khai nhanh, rộng rãi. Từ đó, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đưa ra một số đề xuất như sau.
Thứ nhất, nên có giải pháp đó là thành lập Tổ công tác vaccine doanh nghiệp. Trong đó, vaccine thứ nhất là có nguồn lực nhanh nhất, sớm nhất, chính xác nhất tìm vaccine cho người lao động ,cho lãnh đạo của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp tập trung người lao động. Vaccine thứ hai là về cơ chế chính sách, điều kiện thủ tục hành chính còn đang làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ hai, thành phố và các tỉnh thành tiếp tục theo chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trực tuyến đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp hàng quý, hàng tháng, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Thứ ba, với tình hình khó khăn, doanh nghiệp mong được giảm thuế đất hằng năm phải nộp cho năm 2021.
Thứ tư, cần loại bỏ các thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp hiểu và làm ngay vì mọi thủ tục bị kéo dài thời gian, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có chỉ đạo ra soát khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trên cơ sở đó, các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc, trả lãi và cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có những hợp đồng tốt, lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, đến kỳ trả nợ gốc và lãi được đề xuất khoanh lại đến tháng 12/2022 mà không bị phạt và được loại khỏi nhóm nợ xấu, để doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Thứ sáu, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu giãn nợ, vay đối với khoản nợ phát sinh của 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến 31/12/2022, vì vấn đề này theo Thông tư số 01/2020 là quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước 31/12/2020.
Thứ bảy, là đề nghị mở rộng đối tượng được giảm 2% cho vay trực tiếp theo Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020. Hiện nay, Nghị quyết quy định các đối tượng được giảm quá nhỏ, trong khi có những ngành khác bị ảnh hưởng như du lịch, khách sạn, nhà hàng nhưng lại không ở trong nhóm này.
Thứ tám, là với việc mua sắm công, nguồn ngân sách nhà nước luôn là trọng yếu, nhưng trong đó, hiện nay còn rất hạn chế cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia và mong muốn việc này được công khai, để mở rộng các đối tượng đủ năng lực tham gia.
Thứ chín, việc thanh tra cũng nên tạm hoãn lại để doanh nghiệp tập trung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ kịp thời cho hệ thống bán lẻ
Ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, trong 2 năm Covid-19 vừa qua, hệ thống bán lẻ phục vụ tiêu dùng thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi rất cảm động và thấm thía với những hình ảnh về phục vụ của các siêu thị, các chợ, cửa hàng tạp hóa trong thời kì có dịch. Họ đã nhanh chóng tổ chức thu mua nguồn hàng bằng mọi cách để phục vụ nhân dân, giảm giá, khuyến mại để tăng sức mua trong điều kiện chi tiêu của người dân ngày càng tiết giảm" - ông Phú thông tin.
Nhiều siêu thị mở rộng ca bán hàng, nhân viên bán hàng, giảm bớt mặt hàng chưa thiết yếu. “Và tôi cho rằng họ đã có những cách làm rất sáng tạo” – ông Phú nói. TP HCM các chỉ thị mới về vấn đề phòng dịch kiên quyết nên việc lưu thông hàng hóa, mua sắm hàng hóa, bình ổn thị trường đã xử lý tốt. Có thể đứt đoạn sẽ có nhưng ngắn và có thể nối lại ngay lập tức.
Từ thực tế đó, ông Phú đề xuất cần thiết phải có hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ.
Thứ nhất, một số khu vực tạo luồng xanh cho hàng hóa đi, không để hàng hóa nhất là nông sản, thực phẩm bị ách tắc. Làm sao có kịch bản tổ chức đưa hàng hóa đến siêu thị một cách nhanh nhất, giảm trung gian.
Thứ hai, đề nghị xem lại thuế VAT ở trong hệ thống siêu thị. Phổ biến hiện nay là 10%, có thể tạm thời giảm còn 5-7%. Bộ Tài chính có thể báo cáo Thường vụ Quốc hội để thực hiện nhằm giảm bớt chi phí cho người dân.
Thứ ba, quan tâm đến khu vực chợ. 80% đồ tươi sống hiện nay được bán trong chợ nhưng điều kiện hạ tầng phục vụ, điều kiện đi lại, mua bán, tổ chức sắp xếp hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm người dân không bị đứt đoạn hiện nay vẫn chưa đạt. Nhiều chủ sản xuất chưa đưa nổi hàng vào chợ. Các thành phố cần quan tâm tới kênh truyền thống này.
Thứ tư, mở cửa rộng rãi, không chèn ép, không tạo chiết khấu cao của một số siêu thị. Điều này làm đẩy giá và tạo khó khăn trong giai đoạn này. Làm sao để chia sẻ, hai bên cùng thắng. Thời gian qua những nhà sản xuất nhất là nhà sản xuất nông sản, lương thực thực phẩm bị yếu thế, dù đủ tiêu chuẩn nhưng khó có thể vào siêu thị. Hệ thống siêu thị cũng phải mở cửa đàng hoàng, đối xử tốt với những nhà sản xuất vì nếu không có họ thì không có doanh số để phục vụ nhân dân.
"Rõ ràng khâu bán lẻ là một trong khâu đầu ra sản xuất, đầu vào thiết yếu của các gia đình nên các cấp cần quan tâm hơn làm sao hoạt động bán lẻ nhịp nhàng hơn, phục vụ phòng dịch tốt hơn và nhân văn hơn trong giai đoạn hiện nay" ông Phú kết luận.
Ông Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam: “Đề nghị quan tâm chính sách dài hạn làm sao huy động được nguồn lực cho cơ sở hạ tầng hàng không, cho nhân lực hàng không và cho phụ trợ hàng không… Ngoài giải pháp dài hạn, trước mắt phải khôi phục thị trường, sớm triển khai tiêm vaccine để khôi phục, sớm công nhận hộ chiếu vaccine trong thời gian sớm nhất để tránh “chậm chân” so với các thị trường khác. Chúng tôi cũng đề xuất các ngân hàng cho vay gói đề xuất 25.000 tỷ. Cùng với đó, các khoản phí và lệ phí được hỗ trợ từ năm 2020 nhưng do dịch bệnh không lường trước được do đó đề xuất kéo dài tới tháng 6/2022”.
Việt Anh