Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN của tỉnh Bình Thuận. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tại KCN Phan Thiết bị ảnh hưởng rất nặng nề, cụ thể chỉ tính từ ngày 23/6/2021 đến nay đã có 24 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hơn 4.500 lao động phải tạm nghỉ việc, 30% các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh giảm so với kế hoạch đề ra.
Gần đây tình hình Covid-19 trong nước dần được kiểm soát tốt hơn, song dự báo diễn biến đại dịch vào thời gian tới, nhất là những tháng còn lại của năm 2021 rất khó lường. Thế nên trong tháng đầu của quý cuối năm nay, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển sau dịch Covid - 19 tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Mục tiêu là thúc đẩy phục hồi đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tiến tới trạng thái bình thường mới với phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn”. Đồng thời hướng đến phục hồi nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững và đảm bảo các đơn hàng đã có, tiếp tục tìm kiếm mở rộng đơn hàng, khách hàng mới… để tạo đà phát triển cho thời kỳ hậu đại dịch.
Tại địa bàn TP. Phan Thiết, đến nay đa số doanh nghiệp trong KCN đã nỗ lực đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, việc tiêm phủ vắc xin phòng Covi -19 cho lao động nơi đây cũng được Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đề nghị đơn vị y tế quan tâm đẩy nhanh tiến độ. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp tiến hành nhiều đợt tiêm vắc xin cho đối tượng đủ điều kiện, trong đó có thực hiện tiêm ngay tại doanh nghiệp.
Tính đến trung tuần tháng 10/2021, khoảng hơn 11.000 công nhân, lao động của các doanh nghiệp được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 1… Những nỗ lực đảm bảo an toàn để ổn định sản xuất - kinh doanh cũng đóng góp vào kết quả khả quan trong thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của các KCN Bình Thuận. Cụ thể doanh thu trong 10 tháng qua đạt khoảng 4.510 tỷ đồng (tăng 28,8% so cùng kỳ), còn với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 120 triệu USD (tăng hơn 41,1%) và nộp ngân sách 77 tỷ đồng (tăng hơn 24%).
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua Ban Quản lý các KCNtỉnh đã cụ thể hóa, hướng dẫn tuyên truyền, đôn đốc, nhắc nhở người lao động trong các doanh nghiệp tuân theo các quy định trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng tại các KCN đã nắm sát tình hình và có những giải pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả; các doanh nghiệp đã chủ động sáng tạo trong thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; sản xuất, ăn nghỉ giữa ca của công nhân, người lao động từng bước được bố trí hợp lý; test nhanh Covid-19 được thực hiện luân phiên, định kỳ để kịp thời phát hiện và chủ động phòng ngừa các trường hợp nghi nhiễm. Một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”… Nhờ đó, công tác phòng chống dịch đạt được những kết quả đáng khích lệ; tỷ lệ nhiễm và lây nhiễm Covid-19 trong doanh nghiệp rất thấp. Các doanh nghiệp cơ bản đã ổn định và giữ vững sản xuất.
Để thúc đẩy phục hồi đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong bối cảnh tỉnh ta và cả nước từng bước kiểm soát được dịch bệnh và tiến tới trạng thái bình thường mới, Ban Quản lý các KCN tỉnh đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, thực hiện nghiêm việc do thân nhiệt, khám sàng lọc định kỳ; bố trí hợp lý hóa dây chuyền sản xuất và nơi ăn, nghỉ giữa ca cho công nhân vừa đảm bảo giãn cách phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Huy động các nguồn lực, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại sản xuất, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Đảm bảo thực hiện các kế hoạch, hợp đồng sản xuất đã ký, đồng thời tìm kiếm hợp đồng, đối tác mới để chuẩn bị các bước khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển cao nhất, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2021 đã đề ra. Phối hợp chặt với các địa phương để thông tin kịp thời các trường hợp nhiễm (nghi nhiễm) tại địa phương liên quan đến doanh nghiệp…
Bảo Lâm