Đó là một nội dung quan trọng vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh tại Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” .
Vị thế đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU đã không ngừng phát triển.
Chỉ tính riêng 18 năm lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỷ USD vào năm 2019, trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, 5 tháng năm 2020, EU có 26/27 nước đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 21,66 tỷ USD (tăng 553 triệu USD).
Những con số thực tiễn đó đã tạo nên vị thế đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam duy trì suốt 3 thập kỷ qua.
Những con số trên cũng là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp hai bên háo hức đón chào bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và EU khi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực ngay ngày mai 1/8/2020 sau khi hai bên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn cũng như thủ tục pháp lý khác theo thỏa thuận.
Sau quá trình 10 năm từ đàm phán, rà soát pháp lý đến phê chuẩn, cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ chính thức được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do đầu tiên EU ký kết với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á và cũng là hiệp định tiên tiến, mở cửa nhất mà Việt Nam từng tham gia với những cam kết thuận lợi chưa từng có.
Hai bên cam kết xóa bỏ thuế quan cho gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình từ 7 - 10 năm, một số ít các dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%; hai bên cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ và đầu tư vô cùng hấp dẫn như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics...; đặc biệt các bên cũng cam kết cả trong những lĩnh vực mới như mua sắm chính phủ, thương mại và phát triển bền vững....
Những cam kết trên sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ,... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU…
Đồng thời, cũng giúp các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế hơn ở Việt Nam để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.
Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà Hiệp định EVFTA và EVIPA đem lại
Chính phủ hành động, doanh nghiệp quyết tâm đổi mới chính mình
Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh lên kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn cầu, gây ra những tổn thất nặng nề cho người dân, người lao động và doanh nghiệp, làm gián đoạn, xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất, tháng 6 năm 2020, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ thiệt hại từ 5,8 – 8,8 tỷ USD (tương đương 6,4-9,7% GDP toàn cầu). Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm -4,9%, Mỹ -8%, EU -10,2% và Trung Quốc chỉ tăng trưởng 1% năm 2020. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 suy giảm 5,2%, trong đó kinh tế các nước phát triển giảm 7% và các thị trường mới nổi và đang phát triển giảm -3%.
Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới và cần có những biện pháp và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để sớm khôi phục nền kinh tế, đưa vào quy đạo tăng trưởng đã đề ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hoàng Quốc Vượng nhìn nhận: Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, các Hiệp định này không thể hoàn toàn là cứu cánh, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ; tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà các hiệp định EVFTA và EVIPA đem lại từ đó trụ vững và phát triển trên thị trường.
Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống các thương vụ Việt Nam tại các nước Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh. Đồng thời, cũng sẽ lựa chọn những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp châu Âu.
Là một trong những nước hiếm hoi duy trì tăng trưởng dương trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nỗ lực thúc đẩy cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để tạo dựng một môi trường kinh doanh ổn định và bền vững.
Minh Anh