THCLĐể thực hiện mục tiêu đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nền kinh tế, đặc biệt là tập trung vào các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX). Nhưng bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ khiến các DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn trong việc lưu thông, kết nối vào KCN – KCX.

Doanh nghiệp vận tải TP. HCM “tắc thở” bởi hạ tầng - Hình 1Dù là đường chính dẫn vào các KCN nhưng tải trọng một số cầu – đường rất thấp, gây khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa

Theo phản ánh của một số DN vận tải trên địa bàn TP. HCM, hiện nay tại một số địa phương, cầu và đường bộ dẫn vào các KCN - KCX, vào hệ thống kho tàng, cảng biển vẫn chưa đồng bộ. Thậm chí, không ít cầu, đường được gắn biển báo tải trọng quá thấp, điều này khiến việc vận chuyển hàng hóa ra vào các KCN gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử, cầu Tân Tạo, cầu Thầy Cai và cầu Long Khê, llà những cây cầu trên tuyến đường dẫn vào các KCN như KCN Đức Hòa Long An, KCN Cầu Tràm… Còn cầu Phú Xuân, trên đường Huỳnh Tấn Phát nối quận 7 với Nhà Bè, đây là khu vực có nhiều cảng, kho bãi, xí nghiệp nên lưu lượng xe tải qua lại rất lớn, nhưng đều được gắn biển báo hạn chế trọng lượng xe 30 tấn.

Được biết, hiện nay phương tiện được sử dụng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào các KCN – KCX chủ yếu bằng xe tải, nhất là tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ moóc (SMRM) chuyên dụng. Đối với tổ hợp xe đầu kéo SMRM 5 trục thì thường xuyên có tổng trọng lượng lên tới 42 tấn hoặc 48 tấn đối với tổ hợp xe 6 trục. Như vậy, với tải trọng đó, khi các phương tiện này di chuyển qua các cầu, đường trọng điểm gắn tải trọng thấp nói trên thì gần như 100% phương tiện khi lưu thông qua đều bị quá tải, mức quá cũng rất cao và bị xử phạt rất nặng. Thực tế, rất nhiều DN đã bị xử phạt hàng chục triệu đồng vì lỗi này.

Ông Phạm Văn Lợi, Giám đốc Công ty vận tải Trưởng Lợi cho biết, vừa qua tài xế xe đầu kéo SMRM của công ty là anh Hồ Ngọc Thức, chạy trên tuyến đường huyện Cần Đước (Long An), bị Công an tỉnh Long An xử phạt 6 triệu đồng về lỗi quá tải trọng. Còn về phía công ty thì bị xử phạt lên tới 30 triệu, đây là một khoản chi phí không nhỏ đới với DN và tài xế. “Bộ GTVT đã yêu cầu phải cải tạo, điều chỉnh tăng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông nhưng lại không cải tạo cầu, đường. Như vậy, khi xe chúng tôi đi qua thì chắc chắn sẽ bị phạm lỗi quá tải trọng và mức xử phạt rất là cao”, Giám đốc công ty Trưởng Lợi bức xúc.

Không ít tài xế đã từng bị xử phạt lỗi này cho biết: “Chúng tôi đóng tiền phạt, nhưng trong lòng không nể phục, chúng tôi bị oan. Mâu thuẫn trong biển báo cầu, đường thì Nhà nước phải có biện pháp khắc phục, chứ sao cứ đè chúng tôi ra phạt?”.

Các DN vận tải TP. HCM cũng đã phản ánh với phía cơ quan chức năng, nhưng câu trả lời nhận được là: “Do bản thiết kế của cầu nên không thể thay đổi được”.

Điều này làm cản trở rất lớn tới việc lưu thông hàng hóa từ ngoài vào trong KCN – KCX và ngược lại. Đại diện Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh cho rằng, quy hoạch như vậy là không đồng bộ và chưa được sâu sát với thực tế, gây nhiều khó khăn cho DN. Với những hàng hóa rời thì có thể chia nhỏ ra để vận chuyển, nhưng điều này tốn rất nhiều thời gian và chi phí cho vận chuyển. Còn đối với những hàng hóa đóng thùng nguyên kiện, liên quan đến pháp lý bên hải quan thì không thể tách ra được. Như vậy, DN bắt buộc phải phát sinh thêm chi phí cho việc lưu thông hàng hóa dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao và chính người tiêu dùng phải gánh hậu quả này.

Ghi nhận ý kiến đóng góp từ các DN vận tải trên địa bàn TP. HCM kiến nghị, thành phố cần phải tổng rà soát và gia cố lại tải trọng các cầu – đường dẫn vào các KCN – KCX, nơi có nhiều xe tải chở hàng hóa lưu thông nhằm hỗ trợ phát triển các KCN – KCX và việc lưu thông hàng hóa trở nên thuận tiện hơn.

Việt Dũng