Doanh nhân yêu nước Nguyễn Sơn Hà
Người Việt Nam đầu tiên chế tạo sơn dầu
Sinh năm 1894, trong một gia đình có 7 anh em, cụ Nguyễn Sơn Hà, quê quán huyện Quốc Oai (tỉnh Sơn Tây cũ - nay là Hà Nội). Cha mẹ cụ, vì thương nhớ vùng quê Sơn Tây nên đặt tên con là Sơn Hà, một cái tên kết nối 2 vùng quê hương: Sơn Tây - Hà Nội.
Trong thời loạn lạc thì đó cũng là tâm niệm của đấng sinh thành gởi gắm nơi người con trai. Cha mất sớm, gia đình đông anh em nên việc học hành của cụ bị gián đoạn năm mới 14 tuổi. Từ nhỏ, Nguyễn Sơn Hà đã được học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, nhưng do hoàn cảnh gia đình, cụ đã phải bỏ học để đi làm.
Nhờ biết chữ, người thanh niên Nguyễn Sơn Hà xin được vào làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Nhưng do lương thấp, anh đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của anh. Với ý định tự lập, làm giàu, chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Sơn Hà tự tìm cách sản xuất sơn, ban đầu bằng phương pháp thủ công, sau đó tiếp cận dần với kỹ thuật hiện đại.
Ngành sơn dầu được người Pháp du nhập vào Việt Nam từ thời thuộc địa. Đối với người Việt Nam thời đó, việc cạnh tranh với các hãng Pháp còn là một chuyện mơ hồ. Mấy ai dám mơ đến việc học nghề của người Pháp và cạnh tranh với chính họ? Nhưng Nguyễn Sơn Hà đã làm được điều đó, trở thành người Việt Nam đầu tiên chế tạo sơn dầu, sáng tác tranh bằng sơn dầu để phát triển mặt hàng của mình nổi tiếng khắp Đông Dương.
Không chỉ là một người kinh doanh giỏi, anh còn là một người Việt Nam tiêu biểu vì tính cần cù, vượt khó và sự yêu thương, nhân hậu đối với đồng bào, với những người làm công của mình.
Làm thư ký cho hãng sơn dầu nổi tiếng Sauvage Cottu, Nguyễn Sơn Hà lẳng lặng học nghề với quyết tâm sẽ gây dựng cuộc đời bằng nghề này. Anh để tâm học hỏi mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật chế tạo sơn đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm...
Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, lúc chủ nhà đi vắng, anh lục lọi trong tủ sách kỹ thuật của nhà chủ, đọc những kỹ thuật về nghề sơn. Lúc này, muốn đọc sách kỹ thuật, Nguyễn Sơn Hà phải đêm đêm cặm cụi học thêm Pháp ngữ và cũng có đủ vốn liếng để học các sách về kỹ thuật sơn dầu.
Khi đã nắm được những bí quyết cơ bản của nghề sản xuất và kinh doanh sơn dầu, anh xin thôi việc. Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp - tài sản lớn nhất khi khởi nghề, lấy tiền làm vốn, mở một cửa hàng nhỏ nhận việc quét vôi, quét sơn, kẻ biển...
Bề ngoài là vậy, nhưng anh lẳng lặng chế thử sơn dầu! Nhiều lần sản xuất thử, thất bại, Nguyễn Sơn Hà cùng các em của mình kiên trì rút kinh nghiệm, đào sâu nghiên cứu cách dùng nguyên liệu trong nước như dầu trẩu, nhựa thông, cây thầu dầu... Cuối cùng, Nguyễn Sơn Hà đã thành công!
Từ trái qua phải: Doanh nhân Trịnh Văn Bô, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà (Ảnh tư liệu)
Chất lượng sản phẩm - chữ tín lên hàng đầu
Những năm 1930, ở Việt Nam, bắt đầu từ Hải Phòng, hiệu sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã xuất hiện và dám cạnh tranh với các hàng sơn của người Pháp và người Hoa. Với giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô và bóng đẹp, sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà ngày càng được khách hàng ngoài Bắc, trong Nam tín nhiệm.
Với những mặt hàng phong phú như sơn Résistanco A - B dùng cho sơn xe đạp, sơn Durolac để sơn ô tô, sơn Ideal dùng sơn các vật dụng thông thường..., sau một thời gian ngắn, sản phẩm sơn của Nguyễn Sơn Hà đã cạnh tranh được với cả sơn của hãng Sauvage Cottu, sơn Ripholin nhập từ Pháp sang...
Sau khi có đươc tiếng tăm nhất định, cụ Nguyễn Sơn Hà không hề chủ quan vào thành quả của mình, mà luôn nghĩ đến chất lượng sản phẩm và chữ tín đối với khách hàng. Có lần nghe một khách hàng từ Sài Gòn ra, phàn nàn sơn Résistanco lâu khô, cụ đã đích thân bay vào Sài Gòn, kiểm tra và phát hiện được nguyên do. Người công nhân nấu dầu non, mẻ dầu chưa đạt, nhưng sợ không kịp thời hạn giao hàng nên liều đem pha chế sơn gởi đi. Lập tức, cụ cho đóng sơn quay lại nhà máy tại Hải Phòng và thông báo cho tất cả khách hàng đã mua mẻ sơn đó đến hãng đổi lại.
Luôn có loại sơn chất lượng cao, lại giữ được chữ tín với khách hàng nên hãng sơn của cụ nổi tiếng khắp Đông Dương. Cụ nhanh chóng trở thành một doanh nhân giàu có, thành đạt, được giới kinh doanh xưng tụng là “ông tổ ngành sơn dầu Việt Nam”.
Không chỉ nổi tiếng với công việc làm sơn, cụ Nguyễn Sơn Hà còn sản xuất được lương khô và thuốc ho. Lương khô theo công thức chế tạo của cụ, vừa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cần thiết, lại vừa bảo quản được lâu ngày mà không bị mốc.
Cụ đã chưng cất tinh dầu của lá cây khuynh diệp để chế ra một loại kẹo ngậm chống ho, gọi là “Pastille Valda” (tên do cụ đặt), được Vệ Quốc quân sử dụng…
Cụ Nguyễn Sơn Hà trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, từ tay trắng làm nên sự nghiệp, khẳng định tài trí của người Việt. Như lời của thy sỹ Phan Bội Châu viết trong câu đối tặng cụ Nguyễn Sơn Hà:
Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất/Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ.
(Tạm dịch: Lấy hóa học người Âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có/Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên).
Cụ Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Uy tín với cách mạng - một đời tâm huyết
Năm 1939, trong một lần công tác vào Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm cụ Phan Bội Châu (khi đó đang bị thực dân Pháp quản thúc tại Huế). Cuộc gặp gỡ nhà cách mạng kiên trung đã tác động sâu sắc đến bầu nhiệt huyết, lý tưởng dâng hiến cho dân tộc ở cụ. Trở về, cụ Nguyễn Sơn Hà giành nhiều sự giúp đỡ cho cách mạng.
Với vai trò một nhà tư sản uy tín trong giới công thương thành phố, cụ Nguyễn Sơn Hà tranh thủ sự vị nể của thực dân để tham gia các hoạt động xã hội có lợi cho nước, cho dân. Cụ tranh cử Hội đồng Thành phố với ý định vào để có thế đấu tranh đòi thực dân Pháp cải cách xã hội. Cụ hăng hái lao vào các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sang; thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền bá Quốc ngữ với mong muốn mở mang dân trí, thức tỉnh lòng yêu nước cho dân mình.
Cùng với Hội Truyền bá Quốc ngữ, cụ Nguyễn Sơn Hà còn tham gia thành lập các cơ sở từ thiện. Ngay bên cạnh khu biệt thự của gia đình trên đường Lạch Tray, cụ mở Trường Dục Anh, nuôi dạy các cháu nhỏ lang thang, cơ nhỡ.
Những đứa trẻ lớn lên từ ngôi nhà chung này, đã trở thành những công dân hữu ích cho đất nước. Họ vẫn khắc nhớ công ơn của người đã cưu mang, đem đến hạnh phúc cho mình trong một đoạn đời cơ cực.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong niềm vui của cả dân tộc thoát khỏi trăm năm nô lệ cùng cực, cụ Nguyễn Sơn Hà đã thấy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và mong muốn mình được góp phần.
Được nhân dân Hải Phòng tín nhiệm bầu vào Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cùng với các ông Nguyễn Đình Thi và Trương Trung Phụng, cụ Nguyễn Sơn Hà hăng hái lao vào nhiệm vụ mới. Trong hồi ức có tựa đề “Tay trắng làm nên” của cụ Nguyễn Sơn Hà, có thuật lại rằng, được làm đại biểu của dân trong một quốc gia độc lập, cụ rất tự hào “nhưng đồng thời cũng là điều khiến cho tôi lo lắng về trách nhiệm trước nhân dân”.
Trong dịp Thành phố tổ chức “Tuần lễ vàng”, gia đình cụ tiêu biểu đi đầu phong trào bằng việc đóng góp 105 cây vàng. Niềm say mê và tâm huyết xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ khiến cụ coi nhẹ công việc kinh doanh - vốn đã mang lại cuộc sống giàu sang cho mình.
Cụ vận động các tầng lớp công thương ủng hộ cách mạng; thành lập Việt Nam Võ khí công ty - cơ sở đúc súng đạn phục vụ cho phong trào tự vệ của thành phố.
Song, những ngày tự do chẳng được bao lâu. Ngày 20/11/1946, thực dân Pháp quay lại tái chiếm Hải Phòng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ 2.
Trong khỏi lửa, loạn lạc những ngày đầu giặc chiếm đóng, cụ Nguyễn Sơn Hà đau xót nhận được tin người con cả Nguyễn Sơn Lâm hy sinh ở mặt trận Đông Khê.
Mất mát, đau thương thổi bùng quyết tâm đi theo cách mạng. Bỏ lại cả gia sản lớn ở Hải Phòng, cụ Nguyễn Sơn Hà mang theo gia đình lên Chiến khu Việt Bắc. Giã từ cuộc sống đầy đủ của một ông chủ giàu có, cụ hòa vào cuộc sống vất vả, thiếu thốn của những người dân tản cư nơi núi rừng xa xôi, tạo lập cuộc sống giản dị bằng đôi bàn tay lao động cần cù.
Cách mạng đã mang đến cho cụ hoài bão và lý tưởng sống mới...
Một số dụng cụ doanh nhân Nguyễn Sơn Hà dùng để nghiên cứu sơn từ ngày đầu khởi nghiệp (Ảnh tư liệu)
Một đời mang tấm lòng son với đất nước
Tám năm dưới núi rừng Việt Bắc, lúc Phương Đô, Phúc Trìu, Hà Lải, lúc Đồng Bẩm... là quãng thời gian trải bao vất vả, thăng trầm, nhưng con người năng động và sáng tạo ấy vẫn luôn say sưa tìm tòi, vẫn dồi dào nghị lực và sáng kiến.
Trong điều kiện thiếu nguyên liệu và phương tiện máy móc, cụ bắt tay vào nấu dầu thảo mộc, sản xuất mực in lito, làm giấy than, áo tơi đi mưa, băng cách điện… phục vụ cách mạng và đồng bào vùng kháng chiến.
Những nỗ lực đóng góp của cụ luôn nhận được sự ủng hộ, ghi nhận của các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều lần đã viết thư động viên, khen ngợi cụ.
Khi nước nhà dành độc lập, người doanh nhân yêu nước này đã hiến toàn bộ tài sản của mình cho Chính phủ Cụ Hồ và cùng gia đình tham gia kháng chiến tại Thái Nguyên. Cụ đã nghiên cứu chế ra vải đi mưa cho bộ đội, chế loại dầu để lau bảo trì súng, dầu ăn… phục vụ kháng chiến, góp phần vào chiến thắng của cuộc kháng chiến 9 năm.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, trở về Hà Nội, cụ Nguyễn Sơn Hà tiếp tục được bầu vào Quốc hội các khóa II, III, IV. Mong ước xây dựng nền công nghiệp dân tộc vẫn thôi thúc cụ trong mỗi bước đi, mỗi công việc dám nghĩ, dám làm.
Nhiều ý kiến trình Quốc hội của cụ có giá trị lâu dài với lịch sử như việc xây dựng cảng nước sâu ngoài Bãi Cháy (Quảng Ninh) - đã thành hiện thực hôm nay…
Đúc kết lại cả cuộc đời làm kinh doanh của mình, có thể nói, trong những yếu tố tạo nên thành công khi phát triển sản xuất, kinh doanh, cụ Nguyễn Sơn Hà đặc biệt đề cao nguyên tắc “lấy nhân dùng nhân”. Nói cách khác, cụ Nguyễn Sơn Hà đã thành công trong con đường phát triển sản xuất, kinh doanh không chỉ bằng “trí tài”, mà còn bằng “tâm sáng”.
Để gắn bó người tâm phúc theo mình, cụ mua hàng trăm ha ruộng đất ở Kinh Môn (Hải Dương) cấp cho vợ con họ cày cấy, số thóc thu được, cụ đem bán rẻ cho anh em công nhân những ngày khó khăn. Mến cách ứng xử bao dung của người chủ tài năng, có người thợ giỏi từng làm công trong hãng sơn người Pháp, đã bỏ sang làm việc cho hãng sơn Nguyễn Sơn Hà.
Một đời “tay trắng làm nên”! Nhưng hơn cả là một đời mang tấm lòng son với đất nước, nhân dân, cụ đã để lại những bài học quý cho thế hệ trẻ trên con đường xây dựng tương lai. Cụ đã và sẽ sống mãi trong lòng nhân dân thành phố hoa phượng đỏ, trong đất Việt văn hiến ngàn đời.
Cả đời tâm huyết với nghề làm sơn, những năm cuối đời, cụ Nguyễn Sơn Hà vẫn tiếp tục nghiên cứu để sản xuất sơn máy bay. Tuổi cao, tay run và mắt không còn tinh anh, lại thêm bệnh cao huyết áp, người thương gia danh tiếng ấy vẫn miệt mài cho công việc viết sách và truyền dạy những kinh nghiệm quý cho lớp trẻ, góp phần xây dựng ngành công nghiệp sơn nước nhà.
Giờ đây, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển - đã làm được những sản phẩm mà khi còn sống - chắc ông chủ Hãng “Résistanco” vô cùng mơ ước. Và trong ngành nghề sản xuất các loại sơn công nghiệp, cụ Nguyễn Sơn Hà xứng đáng là tổ nghề sơn của nước ta.
Căn nhà 49 - Lạch Tray (Hải Phòng), nơi cụ cùng gia đình đã sinh sống trong nhiều thời kỳ - được Nhà nước xếp hạng Di tích Văn hóa (Ảnh tư liệu)
Từ một người học việc, bằng ý chí và lòng quyết tâm muốn gây dựng một sản phẩm chất lượng của người Việt, cụ Nguyễn Sơn Hà đã trở thành ông tổ của nghề sơn Việt Nam với hãng sơn Gecko danh tiếng. Không chỉ là một doanh nhân giỏi, cụ Nguyễn Sơn Hà còn là một người có lòng yêu nước sâu sắc với rất nhiều đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cũng như xã hội của dân tộc Việt Nam…
Cụ Nguyễn Sơn Hà là người khai sinh nghề sản xuất sơn ở nước ta, có nhiều đóng góp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cũng như cho cộng đồng cùng với một số doanh nhân khác như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền, Nguyễn Đình Khánh... Năm 2010, căn nhà 49 - Lạch Tray (Hải Phòng), nơi cụ cùng gia đình đã sinh sống trong nhiều thời kỳ - được Nhà nước xếp hạng Di tích Văn hóa.
Hương Thủy