Năm nay, người dân làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện chọn ngày 30/4 dương lịch để tổ chức “Lễ cúng cầu mưa”. Lễ cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở huyện Phú Thiện đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2015.

Người Jrai gọi mưa là “Hơ Jan” và rất coi trọng “Hơ Jan” vì giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức, làm cho hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng. Mặt khác, theo quan niệm của người Jrai, nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa xuống, bệnh tật xuất hiện, đói rét liên miên.

Vì thế, cầu mưa chính là nghi lễ quan trọng nhất trong năm được dân làng Rbai chuẩn bị hết sức chu đáo vào dịp cuối tháng 4 dương lịch.

Độc đáo Lễ hội cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở Gia Lai - Hình 1

Thầy cúng Ksor Lol làm "lễ cúng cầu mưa" bên cạnh nhà mình, phía mặt trời mọc

Trước khi diễn ra lễ chính, người dân cử hành 3 nghi lễ nhỏ bao gồm: Cúng xua đuổi tà ma, dịch gia cầm quanh làng; Cúng bến nước tại sông A Yun (Phú Thiện, Gia Lai); Cúng làng. Vào ngày tổ chức lễ chính, người dân từ già trẻ, gái trai… trong làng tụ hội tại nhà của Thầy cúng– nơi tiến hành nghi lễ cầu mưa.

Từ sáng sớm bà con đã tập trung rất đông tại ngôi nhà dài của thầy cúng Ksor Lol-Nơi diễn ra lễ hội cúng cầu mưa. Mỗi ngừời một việc, trai làng dựng rạp, cột ghè, phụ nữ dọn dẹp nấu ăn…

Theo Già làng Ksor Net (làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) thì một trong những lễ vật không thể thiếu là 7 ghè rượu được lấy từ nguồn nước sông A Yun để dâng lên thần thánh. 7 ghè rượu này tượng trưng cho 7 người đầu tiên lập ra ngôi làng Rbai. Dưới chân nhà sàn, một số thanh niên khác làm thịt lợn, chia thành nhiều phần nhỏ để xâu lại. Còn phụ nữ thì tập trung làm những món ăn truyền thống. Mọi người rôm rả trò chuyện, cùng vui vẻ hoàn thành tốt phần việc của mình.

Hàng trăm bình rượu ghè đã được xếp dưới chân nhà dài, khi mặt trời đứng bóng, lễ vật đã chuẩn bị trước sự chứng kiến của tất cả bà con dân làng thầy cúng Ksor Lol bắt đầu nghi lễ. 

Sau khi phụ tá cắm chiếc cần rượu cúng, thầy cúng lạy 3 lạy chào thần linh rồi từ từ rót nước vào ché rượu. Vừa khấn, thầy cúng vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá cùng về dự Lễ. Sau đó lấy thịt ném 3 lần về phía trước, mỗi lần ném là một lần thầy cúng đọc một điều cầu xin may mắn cho dân làng.

Tiếp theo, thầy cúng rót rượu thịt vào một cái tô đồng đến đổ vào mộ các Ptao, cầu xin các Ptao đã chết phù hộ cho những lời khấn cầu thành hiện thực, để trời đem mưa đến.

Độc đáo Lễ hội cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở Gia Lai - Hình 2

Thầy cúng lấy rượu trong ché rượu cúng để đổ cho các Ptao

Sau đó, thầy cúng quay lại ché uống rượu, chiêng trống nổi lên, các già làng là những người tấu lên âm thanh của trống Hơ Gơ và cồng chiêng, tiếng chiêng hòa quyện, vang xa, chậm rãi càng làm cho buổi lễ thêm phần linh thiêng… bà con trong làng ai cũng vui mừng, phấn khởi vì buổi lễ đã diễn ra đúng như mong đợi.

Độc đáo Lễ hội cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở Gia Lai - Hình 3

Làm lễ xong, thầy cúng Ksor Lol đổ nước vào các ché rượu chuẩn bị cho hàng trăm thanh niên trai tráng trong làng cùng uống

Kết thúc nghi lễ, thanh niên trong làng là những người đầu tiên vít cần rượu thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh của làng. Đặc biệt, lễ hội năm nay không chỉ có bà con Jrai mà còn có sự tham gia của các dân tộc Tày, Mường và anh em người kinh. Trong không khí tưng bừng của ngày hội, mọi người thay nhau vít cần, chúc nhau một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Độc đáo Lễ hội cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở Gia Lai - Hình 4

Độc đáo Lễ hội cúng cầu mưa “Yang Pơtao Apui” ở Gia Lai - Hình 5

Các thanh niên làng Rbai đi chân trần thay nhau uống từng ché rượu cần. Người Jrai tin rằng, những lời khấn cầu mưa chỉ thực sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả thành viên trong cộng đồng.

Bên cạnh những lễ hội truyền thống khác của người Jrai, lễ cầu mưa là nghi lễ rất quan trọng trong năm, là nghi lễ thể hiện văn hóa tâm linh của người Jrai với các vị thần linh. Qua buổi lễ này, bà con làng Rbai sẽ bước vào một vụ mùa mới với sự vui vẻ và lạc quan trong lao động sản xuất xây dựng cuộc sống no ấm.

Có thể nói, lễ hội cầu mưa là hoạt động văn hóa tín ngưỡng hết sức độc đáo, mang bản sắc riêng của người Jrai ở Gia Lai. Điều đáng mừng là nó vẫn được bà con bảo tồn, phát huy một cách nguyên vẹn giá trị truyền thống, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa lễ hội của dân tộc.

Kim Yến