Tham dự Lễ hội mùa Xuân, có các đoàn nghệ nhân đại diện cho các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Mông, Thái, Jrai, Bahnar đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Không gian ẩm thực, nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc

Lễ hội mùa Xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2018 được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh được giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết.

Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi dân tộc được giới thiệu, thể hiện những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mình đến với bạn bè, du khách trong và ngoài tỉnh; từ đó khơi dậy niềm tự hào, ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa của dân tộc.

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 1

Không gian trưng bày trang phục của các dân tộc

Lễ hội mùa Xuân các dân tộc tỉnh năm 2018 diễn ra trong thời gian 1 ngày với các phần trình diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc như múa khèn, múa sạp, thổi sáo, đàn tính, hát then, hát giao duyên, cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc… và các trò chơi dân gian hấp dẫn như ném còn, còn giao duyên, đánh quay… Bên cạnh đó, các dân tộc còn đem đến cho lễ hội những món ẩm thực truyền thống như mèn mén, xôi nếp, gà thiến, thắng cố, gà nướng cơm lam…

Ngoài ra, Lễ hội còn có viết thư pháp, thưởng trà đạo, nặn tò he và nhiều gian hàng ẩm thực hấp dẫn khác. 

Tại lễ hội, đồng bào các dân tộc có không gian riêng để trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, như: Hát giao duyên, múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng; múa khèn, sáo trúc của người H’Mông; cồng chiêng của người Jrai…

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 2

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 3

Trình diễn nghệ thuật của các dân tộc phía Bắc

Trong đó, lễ cấp sắc của người Tày, Nùng vùng núi Cao Bằng có lẽ là phần trình diễn được mong đợi nhất. Lễ cấp sắc là một hình thức diễn xướng dân gian mang đậm tính chất nghi lễ nghề nghiệp, liên quan đến việc hành nghề của người được cấp sắc với 3 cấp độ từ thấp đến cao là Then, Pựt và Tào.Những  người này là chủ trì các đám tang, các hoạt động tế tự và thực hiện các lễ nghi khác như trừ tà, cầu an…, tương tự như vai trò của thầy cúng trong cộng đồng người Jrai, Bahnar.

Điều khiến lễ cấp sắc của người Tày, Nùng trở thành nét văn hóa đặc sắc chính là nghệ thuật diễn xướng thông qua màn hành lễ của người chủ trì, các cuộc giao lưu giữa thầy cúng với nhau và với người dự lễ. Vì thế mà lễ cấp sắc diễn ra như một màn trình diễn nghệ thuật giàu tính nghệ thuật, đậm đà bản sắc.

Không chỉ có nghệ thuật dân gian, tại Lễ hội mùa Xuân 2018, các dân tộc còn giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Những món ăn truyền thống của các dân tộc phía Bắc mà nhiều người vẫn thường nghe nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng chưa bao giờ được thưởng thức sẽ được phục vụ tại lễ hội.

Có thể kể đến các món ăn nổi tiếng như mèn mén (được làm từ bắp) hay thắng cố (làm từ thịt ngựa hoặc bò, dê…), hứa hẹn sẽ đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Tỉnh Gia Lai hiện có 38 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ngoài 2 dân tộc tại chỗ là Jrai và Bahnar thì Gia Lai còn có sự gia nhập của nhiều dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, H’Mông, Thái, Dao…

Có những dân tộc sinh sống tập trung thành cộng đồng như người H’Mông ở xã Ya Hội (huyện Đak Pơ), người Tày, Dao ở xã Lơ Ku (huyện Kbang) hay người Tày, Nùng ở xã Ia Lâu (huyện Chư Prông). Các dân tộc trên đều sinh sống ở Gia Lai khá lâu, một số đã hình thành nên lớp thế hệ con, cháu.

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 4

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 5

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 6

Tham gia Lễ hội, du khách được xem biểu diễn cũng như tự mình trải nghiệm các trò chơi dân gian

Giữa vùng đất mới, họ vẫn mang theo và lưu giữ những nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng nhất của dân tộc mình từ trang phục, đời sống tín ngưỡng cho đến ẩm thực, song lại không có nhiều cơ hội để thể hiện.

“Chính vì vậy, trong dịp đầu năm Mậu Tuất 2018, Bảo tàng tỉnh tổ chức Lễ hội mùa Xuân các dân tộc tỉnh Gia Lai-2018 với mong muốn chuyển tải thông điệp rằng: không chỉ dân tộc tại chỗ, mà các dân tộc khác đều phải ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của mình trên vùng đất mới. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa ấy cũng sẽ góp phần làm giàu thêm vốn văn hóa các dân tộc tỉnh nhà”, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Vân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ.

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 7

Nhiều du khách thích thú với trò chơi dân gian "Ô ăn quan"

Đến với Lễ hội mùa Xuân các dân tộc tỉnh năm 2018, du khách không chỉ được thưởng thức không gian văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc mà còn được trực tiếp trải nghiệm. Qua đó hình thành nên tình yêu, ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống.

Gia Lai: Lễ hội mùa Xuân – bức tranh văn hóa đa màu sắc - Hình 8

Xin chữ đầu năm cũng là nét văn hóa thu hút nhiều du khách

Không chỉ vậy, Lễ hội mùa Xuân còn tạo cơ hội để tất cả mọi người hiểu biết thêm về những nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc anh em thông qua các hoạt động trải nghiệm. Người dân và du khách có thể cùng các nghệ nhân tham gia nhảy sạp, múa khèn, đánh cồng chiêng hay viết thư pháp, nặn tò he… Từ đây, sẽ hình thành nên ý thức tôn trọng, gìn giữ và phát huy để làm giàu có, phong phú thêm cho văn hóa của tỉnh nhà.

Kim Yến