Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều CĐT dự án nhà ở cao tầng hiện nay cố tình “quên” công tác PCCC chủ yếu là do chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Bởi lẽ, những vi phạm về PCCC hiện nay mới chỉ bị xử phạt hành chính. Công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với việc thực hiện đầy đủ các biện pháp PCCC của các chủ đầu tư diễn ra chưa thực sự hiệu quả. Do đó, nhiều chủ đầu tư vẫn coi nhẹ vấn đề PCCC.

Dưới góc độ pháp lý, nhiều chuyên gia luật cũng cho rằng chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trong thời gian qua, tại các cuộc họp về an toàn PCCC, nhiều lời đề xuất đã được đưa ra, tập trung vào việc các cơ quan chức năng cần giải quyết những bất cập trong các quy định pháp luật về PCCC và người dân, chủ đầu tư cũng cần ý thức về trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện nghiêm túc những quy định về PCCC.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt phương án PCCC tại các công trình nhà cao tầng, nhằm tránh tình trạng nhà cao tầng đã có người vào ở, làm việc mà không đảm bảo được các yêu cầu về đảm bảo an toàn về PCCC. Và việc xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lí bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà chung cư khi chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC cũng là một yêu cầu cần thiết.

Ths Trần Thanh Ý – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đô thị (Hội Nghiên cứu Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam) cho rằng: “Cần sớm nghiên cứu ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà cao tầng trong đó có chung cư”.

Năm 2004, Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn TCXDVN 323:2004 “Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế”. Tiêu chuẩn này được áp dụng cho nhà ở căn hộ có chiều cao từ 9 tầng đến 40 tầng (chung cư cao tầng) mà chưa đề cập đến các công trình cao tầng khác. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng, TCXDVN 323:2004 cũng bộc lộ một số bất cập, trong đó với riêng nội dung an toàn PCCC, yêu cầu về thiết kế phòng cháy chống cháy chưa đưa ra các yêu cầu cụ thể về an toàn cháy của kết cấu, vật liệu xây dựng. Đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm vì những hiểm họa của nó mang lại. Những đặc điểm chính của chung cư cao tầng có ảnh hưởng đến yêu cầu an toàn cháy như sau: Diện tích sử dụng lớn, số lượng người đông, có nhiều hệ thống thiết bị kỹ thuật, tập trung nhiều nguy cơ cháy nổ cao (bếp nấu, bình ga….); Lối thoát nạn chính chủ yếu qua các cầu thang bộ đi xuống mặt đất rồi ra ngoài nhà. Vì vậy, thời gian thoát nạn ra ngoài lâu, nguy cơ đe doạ tính mạng con người cao; Tốc độ và áp lực của gió trên cao làm tăng tốc độ cháy lan. Hành lang và các buồng thang bộ không được thiết kế điều áp làm tăng nguy cơ lan truyền lửa, khói, hơi nóng, khí độc, cản trở việc thoát nạn; Không có lối thoát nạn từ ban công, logia; Đường, bãi quay xe không đảm bảo cho các xe chuyên dụng.

Năm 2013, theo quy định của Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn ”TCXDVN 323:2004 ‘Nhà ở cao tầng – Tiêu chuẩn thiết kế” không còn có hiệu lực. Chính vì vậy, hiện nay vẫn còn một khoảng trống trong các quy định thiết kế công trình cao tầng – bao gồm chung cư cao tầng đặc biệt đối với các nội dung về an toàn PCCC.

Để khắc phục các nhược điểm trên, cần sớm nghiên cứu ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà cao tầng trong đó có chung cư. Bản chất của văn bản này là nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến nhà cao tầng từ khâu quy hoạch đến thiết kế thi công và làm cơ sở cho công tác kiểm định về chất lượng, điều kiện hạ tầng trước khi đi vào vận hành khai thác sử dụng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề khớp nối với các quy định về an toàn PCCC cho công trình chung cư cao tầng.

Đổi mới cơ chế quản lý PCCC chung cư cao tầng - Hình 1

KTS Trần Nguyễn Quảng – Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Sunjin Việt Nam nói rằng: “Xây dựng cơ chế gián tiếp khuyến khích chủ đầu tư tăng cường đầu tư đảm bảo an toàn PCCC chung cư cao tầng”.

Ngoài các yếu tố hỗ trợ bên ngoài, điểm chính quan trọng trong an toàn PCCC chung cư cao tầng chính để giảm thiểu các tác động thiệt hại chính là thiết kế – xây dựng các không gian thoát hiểm cho cư dân và lắp đặt đồng bộ hệ thống thiết bị cảnh báo – chữa cháy tại chỗ cho công trình, để đảm bảo người dân tự thoát nạn và chữa cháy tại chỗ tức thời khi có tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, vì một số lí do, hiện nay vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư “lách” hoặc làm thiếu – cắt giảm sai luật các nội dung hạng mục công trình và thiết bị an toàn PCCC cho công trình chung cư cao tầng, kể cả khi đã đưa vào đầu tư sử dụng như gộp thang thoát hiểm vào cầu thang bộ, cắt giảm các diện tích giao thông ngoài nhà phục vụ chữa cháy.

Bên cạnh các chế tài xử phạt đã áp dụng, cần sớm ban hành các cơ chế chính sách “mềm”, khuyến khích thúc đẩy các chủ đầu tư tự nguyện thực hiện các hạng mục PCCC cho chung cư cao tầng. Hiện nay thuế sử dụng đất được tính trên tổng diện tích sàn xây dựng, trong đó để phục vụ cho an toàn PCCC (bao gồm hệ thống hành lang và thang thoát hiểm, phòng an toàn,…). Do vậy, phần thuế sử dụng đất cho toàn bộ phần diện tích an toàn PCCC trên trong một công trình cao tầng là một con số khá thuyết phục đủ để là động lực khuyến khích các chủ đầu tư tự nguyện thực hiện xây dựng các hạng mục PCCC khi được khuyến khích miễn giảm.

Tương tự, có cơ chế giảm thuế đối với các thiết bị lắp đặt đảm bảo an toàn công trình, có chính sách để chủ đầu tư tiếp cận và sử dụng các hệ thống thiết bị cảnh báo và chữa cháy tiên tiến cho tòa nhà cao tầng đã được áp dụng trên thế giới.

KTS Lê Việt Sơn – Giám đốc Công ty Kiến trúc HDC cho rằng: “Cần điều chỉnh các quy định hạng mục thang thoát hiểm phù hợp với yêu cầu thực tế. Người dân thoát hiểm tự phát do thiếu được tập huấn về thoát hiểm an toàn PCCC nhà chung cư cao tầng”.

Hiện nay, các quy định về tổ chức thang thoát hiểm an toàn PCCC còn có phần gây khó cho kiến trúc sư đặc biệt với quy định bắt buộc thang thoát hiểm N1 phải tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài để đảm bảo khả năng cứu hộ và cứu nạn khi có tai nạn cháy nổ xảy ra. Quy định như vậy có thể tương đối, với các chung cư có chiều cao dưới 9 tầng và cấu trúc tổ chức dạng tuyến trước đây. Tuy nhiên, với các cấu trúc nhà chung cư cao tầng hiện đại với, chiều cao lớn (30 – 45 tầng) có cấu trúc dạng tháp – kết cấu bao gồm thang máy và thang bộ ở trung tâm đóng vai trò như lõi cứng ở trung tâm đang xuất hiện phổ biến trong thời gian gần đây thì các quy định này không còn phù hợp và có phần gây lãng phí do giới hạn thang chữa cháy chỉ đạt không quá 30 tầng, làm giảm hiệu quả đầu tư và sử dụng mặt bằng cho chủ đầu tư do phải đầu tư hệ thống hành lang dẫn kết nối từ khu vực lõi, cũng như làm khó cho kiến trúc sư trong việc sáng tạo thiết kế kiến trúc công trình – ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến.

Thực tế, trên thế giới, các thiết kế chung cư cao tầng đã sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật hiện đại để giải quyết tốt các vấn đề trên như quạt tăng áp, đèn chiếu sáng khẩn cấp. Do vậy nên xem xét điều chỉnh quy định này theo hướng linh hoạt để cởi trói cho thiết kế chung cư cao tầng trong thời gian tới.

KTS Hoàng Thúc Hào – Giám đốc Công ty Kiến trúc 1+1>2 đưa ra quan điểm: “Nâng cao hơn nữa vai trò của kiến trúc sư với công tác an toàn PCCC chung cư cao tầng”.

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn một số các dự án chung cư cao tầng thi công công trình sai với thiết kế được phê duyệt, trong đó đặc biệt cắt giảm, thậm chí không làm các hạng mục về an toàn PCCC. Trong khi đó, đối với các hạng mục an toàn PCCC, kiến trúc sư thiết kế công trình hoàn toàn không được thể hiện rõ vai trò chủ trì cũng như giám sát thực hiện công trình. Trong một số trường hợp, quyết định thi công hạng mục, triển khai lắp đặt thiết bị an toàn PCCC còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của riêng CĐT.

Bên cạnh một mặt cần xây dựng và thực hiện minh bạch – đồng bộ quy trình thiết kế – nghiệm thu cấp phép hạng mục an toàn PCCC cho công trình cao tầng nói chung và chung cư cao tầng nói riêng, trong thời gian tới cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền giám sát của kiến trúc sư trong các giai đoạn triển khai dự án, để đảm bảo kiến trúc sư được thiết kế các công trình chung cư cao tầng không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn đạt hiệu quả về an toàn và sử dụng.

Ths.KTS Trần Hồng Thuỷ – Giám đốc Công ty Kiến trúc Giải pháp Nhà cao tầng ABS Việt Nam cho biết: “Bổ sung và làm rõ hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về an toàn PCCC cho các loại hình công trình chung cư mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Các tổ hợp chung cư cao tầng đa chức năng , cao trên 40 tầng đã xuất hiện ngày càng phổ biến nhưng thiếu các quy chuẩn tiêu chuẩn quy định rõ bao gồm cả nội dung an toàn PCCC”.

Thiết kế chung cư cao tầng cần đảm bảo đúng các tiêu chuẩn về PCCC và an toàn trong TCVN 6160 và QCVN 03:2012, đảm bảo hệ thống thang bộ trong đó có ít nhất một thang tiếp cận trực tiếp với không gian bên ngoài, có hệ thống cửa chống cháy đồng bộ, đảm bảo khi có sự cố, người dân có thể an toàn thoát hiểm không bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng ngạt khói và dẫm đạp lên nhau.

Bổ sung và làm rõ hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về an toàn PCCC cho các loại hình công trình chung cư mới xuất hiện trong thời gian gần đây như tòa nhà hỗn hợp, condotel, officetel…, để đảm bảo tính kết nối đồng bộ về mặt không gian, tiện nghi sử dụng, kỹ thuật công trình, không để phát sinh các hiện tượng quá tải trong sử dụng năng lượng, ùn tắc trong thoát người cũng như xung đột và mất an toàn khi sử dụng và vận hành chung.

Theo Ths.KTS Nguyễn Thanh Long/kientrucvietnam.org.vn