Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, Nguyễn Hữu Lệ
Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, Nguyễn Hữu Lệ

Từng ngày “thay da, đổi thịt”

Có về xã Mỹ Tân hôm nay mới thấy hết được sự phát triển, từng ngày “thay da, đổi thịt” của một vùng đất thuần nông xưa kia. Có được sự đổi mới, thành công đó cũng là bởi - nhiều năm nay, người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng từ trồng lúa màu sang trồng hoa.

Trò chuyện với phóng viên vào một ngày đầu Xuân 2024, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, Nguyễn Hữu Lệ bộc bạch:

Xã hiện có 3.600 hộ dân, với 13 nghìn nhân khẩu, trong đó có khoảng 1.350 hộ dân (6.000 nhân khẩu) tham gia trồng hoa. Diện tích trồng hoa các loại là 310 ha, giá trị bình quân ước đạt hơn 700 triệu đồng/ha. Năm 2023, tổng giá trị cây hoa ước đạt gần 224 tỷ đồng.

Với lợi thế vùng đất màu mỡ, phù hợp với các loại hoa, gần 30 năm nay, người dân xã Mỹ Tân đã nhận thấy trồng cây hoa rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, mang lại chất lượng và giá trị kinh tế cao nên bà con nông dân đã chuyển đổi từ trồng lúa 2 vụ sang trồng hoa.

Hoa ở Mỹ Tân thường cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp nên thương lái đến tận vườn thu mua để đưa đi bán tại các tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Điện Biên, Sơn La... Càng về mỗi dịp giáp Tết Nguyên đán, thị trường hoa ở Mỹ Tân càng trở nên sôi động, tấp nập; giá hoa cũng ở mức cao, nên bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi, bởi lại được một mùa hoa bội thu.

ông Phan Văn Thuyên
Ông Phan Văn Thuyên phấn khởi vì lại có được một mùa trồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao

Như thể để minh chứng cho sự trù phú, hiệu quả từ mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, Trần Trọng Chung đã trực tiếp dẫn phóng viên đi "mục sở thị" tại vườn hoa của ông Phan Văn Thuyên, xóm Bình Dân, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

Phấn khởi vì lại có được mùa trồng hoa hiệu quả, ông Thuyên niềm nở:

Gia đình trồng hoa khoảng 25 năm nay; với khoảng 3 mẫu hoa cúc các màu, để bán phục vụ vào những ngày lễ, ngày tuần và đến thời điểm gần Tết, gia đình chuyển sang trồng các loại hoa dơn, hoa ly, các loại hoa trồng chậu, phục vụ khách hàng các tỉnh lân cận. Để phục vụ việc chăm sóc trồng hoa, gia đình đã thuê từ 3 – 5 lao động địa phương làm việc thường xuyên.

Nhờ trồng hoa mà kinh tế gia đình càng ngày càng phát triển
Nhờ trồng hoa mà kinh tế gia đình ông Phan Văn Thuyên càng ngày càng phát triển, xây dựng nhà cửa khang trang

Tôi hỏi, nghề trồng hoa mang lại giá trị kinh tế cho gia đình như thế nào? Ông Thuyên cho biết, năm 2023, so với mặt bằng chung của các năm trước thì sản lượng và giá thành có hạ hơn, nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình và các hộ trồng hoa nơi đây.

Ông Phan Văn Thuyên chia sẻ: “Thu nhập hằng năm của gia đình từ nghề trồng hoa khoảng từ 500 – 700 triệu đồng, trừ chi phí đi, thì lãi khoảng trên 300 triệu đồng. Tính ra trồng hoa vẫn mang lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa. Tại địa phương có nhiều gia đình làm giàu từ nghề trồng hoa.

Để bảo đảm chất lượng cây hoa và hiệu quả từ việc trồng hoa, ông Thuyên kiến nghị các cấp, ngành, nhất là ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho bà con nông dân trồng hoa hiệu quả và sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, theo đúng chủng loại, chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ từ những nhà cung cấp uy tín, thương hiệu; đồng thời, địa phương cần tìm kiếm những doanh nghiệp, thương lái uy tín bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con nông dân, để tiến tới quy hoạch nghề trồng hoa tại địa phương mang tính chuyên nghiệp, ổn định lâu dài”…

Hoa ở Mỹ Tân thường cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp
Hoa ở Mỹ Tân cho bông to, nhiều cánh, màu sắc đẹp

Áp dụng khoa học kỹ thuật

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tân, Trần Trọng Chung chia sẻ:

Những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan mở các lớp tập huấn cho người dân, hướng dẫn chuyển giao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, trồng hoa đúng kỹ thuật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguồn gốc xuất xứ từ những cơ sở cung cấp uy tín, nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nhất là cây hoa; xã cũng vận động nhân dân áp dụng công nghệ số, lập các trang bán hàng trên môi trường điện tử.

Xã tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nông nghiệp xã, các hợp tác xã và thôn xóm, gắn trách nhiệm của cấp ủy chính quyền trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng và phát triển mạnh các mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp với các hộ dân, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển, hoàn thiện các sản phẩm từ các chuỗi liên kết, để trở thành các sản phẩm OCOP.

Cây hoa đã mang lại giá trị kinh tế cao - đời sống người dân từng bước nâng lên, làm giàu từ trồng hoa.
Cây hoa mang lại giá trị kinh tế cao - đời sống người dân 
Mỹ Tân từng bước nâng lên, làm giàu từ trồng hoa

Theo ông Vũ Duy Học, thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, Nam Định: Gia đình hiện trồng 5 sào hoa, chủ yếu là các loại giống hoa và các loại hoa chậu, bán phục vụ vào dịp Tết Nguyên đán. Thu nhập bình quân đạt năng suất 300 triệu đồng/năm.

Trước khi chuyển đổi trồng hoa, người dân nơi đây chủ yếu là trồng rau màu, mang tính tự phát, hiệu quả không cao. Sau khi chuyển đổi trồng hoa, thì rất phù hợp, nhất là cây hoa cúc, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, mang lại giá trị kinh tế khá cao; hiện nay cả hai thôn Hồng Hà 1 và Hồng Hà 2 của xã Mỹ Tân, bà con nông dân trồng hoa 100%, với diện tích khoảng 200 ha. Nghề trồng hoa đã giúp nhiều hộ dân địa phương vươn lên làm giàu; bộ mặt giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày một đổi mới tích cực - đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, Nguyễn Hữu Lệ:

Để thực hiện hiệu quả mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xã tập trung xây dựng một số mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Kế hoạch 118/KH-UBND của UBND tỉnh Nam Định về phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Xã xây dựng phát triển các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, có hiệu quả kinh tế cao, gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm;

Xã thực hiện các giải pháp tập trung ruộng đất, chỉnh trang đồng ruộng, hình thành những “cánh đồng lớn”, để thu hút doanh nghiệp đầu tư, sản xuất nông nghiệp hàng hóa; lựa chọn lập quy hoạch phát triển ngành hàng, sản phẩm nông sản, thực phẩm chủ lực của địa phương, theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP;

Xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển các hình thức dịch vụ cơ giới hóa, cung ứng vật tư đầu vào, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, trong đó có cây hoa. Phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao (năm 2024).

Ghi chép của Nguyễn Kiên