Phát huy tốt tiềm năng và lợi thế, sau hơn 20 năm kể từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng trong thu hút vốn FDI của cả nước. Nếu như năm 1997, toàn tỉnh mới có 8 dự án đầu tư FDI, thì đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 410 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,2 tỷ USD.

Các doanh nghiệp (DN) FDI giữ vai trò quan trọng trong việc thay đổi đáng kể quy mô nền kinh tế, đóng góp chủ yếu trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh. Định hướng thu hút FDI của tỉnh luôn có sự điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tế của từng thời kỳ.

Giai đoạn mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc tập trung thu hút FDI theo chiều rộng, chủ trương thu hút những dự án sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết việc làm cho lao động địa phương cũng như tăng thu ngân sách. Đến năm 2004, tỉnh bắt đầu hướng tới những dự án FDI chất lượng và sử dụng nhiều hơn lao động đã qua đào đạo.

Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, tỉnh chủ trương chuyển sang thu hút FDI theo chiều sâu; chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, những dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề trình độ cao và lao động phổ thông. Đồng thời, kiên quyết “sàng lọc” những dự án hiệu quả thấp, sử dụng nhiều tài nguyên đất, thâm dụng lao động và ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp; hỗ trợ các nhà đầu tư về thuế, phí cũng như giảm tải các thủ tục hành chính; chuẩn bị tốt mặt bằng “sạch”, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ; tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp...

Công ty TNHH BHFlex Vina (KCN Khai Quang, T.P Vĩnh Yên) duy trì kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm cung cấp các sản phẩm với chất lượng, thân thiện với môi trường. Ảnh: Chu Kiều
Công ty TNHH BHFlex Vina (Khu công nghiệp Khai Quang, TP Vĩnh Yên) duy trì kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm cung cấp các sản phẩm với chất lượng, thân thiện với môi trường (Ảnh: Chu Kiều).

Nhờ đó, môi trường đầu tư và kinh doanh của tỉnh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Phúc luôn kiên định, nhất quán ba yếu tố tiên quyết trong định hướng thu hút đầu tư là: Nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ. Không chỉ thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, tỉnh còn định hướng xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, Vĩnh Phúc cũng qua tâm, dành nguồn ngân sách đáng kể phát triển hạ tầng đô thị, các trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi, nhà ở cho công nhân và người lao động, tạo cảnh quan, môi trường làm việc, sinh hoạt hiện đại cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh.

Cùng với việc duy trì hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo phương thức truyền thống, Vĩnh Phúc cũng đã có những cách làm mới, sáng tạo trong tiếp cận và xúc tiến đầu tư. Ngoài việc quảng bá hình ảnh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư mới, tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận các nhà đầu tư thông qua nhiều kênh xúc tiến, như: Ngoại giao, tư vấn, hợp tác hữu nghị...

Với những chủ trương, định hướng cụ thể trong thu hút FDI, tỉnh đã thu được nhiều thành công trong thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn xuyên quốc gia. Đã có nhiều Tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia quan tâm, tìm kiếm cơ hội và đầu tư thành công tại Vĩnh Phúc như: Honda, Toyota (Nhật Bản); Piaggio (Italia); Partron, Heasung, Jahwa, Sindoh (Hàn Quốc); Foxconn, Compal (Đài Loan); YCH (Singapore)... đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển KT - XH của tỉnh.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 tổ chức tại Hà Nội vào trung tuần tháng 4 vừa qua, Vĩnh Phúc vinh dự là một trong 12 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút và thực hiện hiệu quả các nguồn vốn đầu tư FDI.

Một số DN FDI đóng trên địa bàn tỉnh cũng được vinh danh và nhận giải thưởng DN Rồng Vàng, trong đó Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam lọt Top 50 DN FDI có nhiều thay đổi tích cực trong tư duy và chiến lược kinh doanh, có sự vượt trội, bứt phá và thành công trong năm 2021.

Đây là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của các DN, là động lực để tỉnh tiếp tục đề ra những định hướng quan trọng nhằm thu hút và khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư FDI.

Năm 2021, những diễn biến phức tạp của Covid-19 tiếp tục dự báo nhiều thách thức mới đối với nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu.

Đòi hỏi những bước đi chiến lược trong phát triển KT - XH nói chung và định hướng thu hút đầu tư FDI của tỉnh nói riêng.

Xác định khu vực FDI sẽ vẫn là động lực tăng trưởng “then chốt” của tỉnh nhưng cần phải được chọn lọc với định hướng tập trung phát triển vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp điện tử là ngành mũi nhọn; trong các giai đoạn tiếp theo, Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu và ban hành chiến lược thu hút vốn đầu tư FDI để tận dụng tốt làn sóng chuyển dịch đầu tư từ khu vực Đông Bắc Á vào khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao.

Việt Sơn