Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra câu chuyện xuất khẩu không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương
Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra câu chuyện xuất khẩu không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương.

 Dung lượng thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới rất lớn

Thương mại điện tử xuyên biên giới từ lâu là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia. Tốc độ ứng dụng và phát triển thương mại điện tử của Trung Quốc đã tăng theo cấp số nhân trong 10 năm trở lại đây.

Tại các thị trường EU, theo số liệu thống kê từ Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ, Bộ Công Thương, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đạt tới 146 tỷ euro và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả Châu Âu. Những con số trên cho thấy, dung lượng thị trường là rất lớn. Đây là cơ hội đầy tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm chất lượng tốt vươn ra thế giới.  

Tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới là lĩnh vực còn mới mẻ nên doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn từ thực hiện các quy trình như xuất, nhập khẩu cho đến các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định pháp lý, thuế hay vận chuyển hàng hoá, quảng bá sản phẩm cho đến quy trình thanh toán.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới, trước mắt là thị trường Trung Quốc, mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (thương mại điện tử và kinh tế số), Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố chương trình “Gian hàng quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com”. Với vai trò là đơn vị tổ chức, hỗ trợ kết nối, Cục thương mại điện tử và kinh tế số sẽ tập hợp, tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu Việt tham gia phân phối trên hệ thống của JD theo đúng quy định của JD và luật pháp tại nước nhập khẩu. Đồng thời, tìm kiếm nguồn lực từ các đối tác để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc theo mô hình B2B2C đã được nhiều quốc gia triển khai thời gian qua. 

Như vậy, với sự hỗ trợ từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số, những đơn vị kinh doanh trên sàn JD thông qua chương trình này sẽ nhận được lợi ích khi quảng bá thương hiệu ngay tại thị trường nước nhập khẩu, điều mà không phải doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể làm được.

Trong khuôn khổ chương trình, Viettel Post vinh dự được chọn làm đối tác logistics chiến lược để đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt.

Tăng cường nguồn lực cho đối tác trên gian hàng JD

Với bề dày hơn 24 năm hoạt động, Viettel Post đã vận hành mảng giao nhận quốc tế, kho bãi với nhiều kinh nghiệm nên hoàn toàn có thể tự tin trở thành đối tác logistics cho các doanh nghiệp

Về mặt hạ tầng trong nước, Viettel Post đã và đang xây dựng hệ thống logistics hiện đại với hệ thống kho hàng trải dài khắp 63 tỉnh, thành được lắp đặt công nghệ thông minh trong kho; hơn 10.000 xe tải; hạ tầng hậu cần thương mại điện tử cùng hệ thống bưu cục trải rộng toàn quốc sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới.

Việc mở rộng chuỗi kho của Viettel Post mang lại sự tiện ích vô cùng lớn cho người dùng bởi khi các điểm phục vụ gần người dùng cuối hơn, khách hàng sẽ được hưởng chi phí tối ưu nhất.

Đối với vận chuyển quốc tế, Viettel Post cũng kết nối hàng hóa đi và đến hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa sản phẩm Việt đi khắp toàn cầu. Đặc biệt là tuyến Việt Nam-Trung Quốc, Viettel Post là đại lý của các hãng tàu, hãng hàng không chuyên tuyến. Đồng thời, có hệ thống đại lý với khoảng 5 đại lý tại Trung Quốc để thực hiện hoạt động nhập khẩu đưa hàng vào kho ngoại quan tại Trung Quốc

Với hạ tầng mạng lưới vững chắc, Phó tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn chia sẻ đường hướng rõ ràng về kế hoạch hỗ trợ các đối tác trên sàn thương mại điện tử JD. Đối với toàn bộ khách hàng là doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam kinh doanh qua sàn thương mại điện tử JD khi sử dụng dịch vụ của Viettel Post để vận chuyển từ kho thuộc địa phận Việt Nam (từ cảng Hải Phòng/TP. Hồ Chí Minh/từ sân bay Nội Bài/TP. Hồ Chí Minh) đi Trung Quốc sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi. Đó là, giảm 10% cước vận tải quốc tế phát sinh trong 03 tháng đầu kể từ ngày xuất khẩu lô hàng đầu tiên và miễn phí chi phí thủ tục hải quan xuất khẩu tại Việt Nam.

Cùng với đó, miễn phí tư vấn thủ tục hải quan, xuất khẩu tại Việt Nam và nhập khẩu tại Trung Quốc. Đối với hàng hoá lưu kho trong khi chờ xuất khẩu, Viettel Post sẽ hỗ trợ ít nhất chi phí trong 03 tháng đầu tiên. Ngoài ra, tùy thuộc tình hình thực tế và nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, Viettel Post sẽ có các chính sách ưu đãi khác hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam.

Ngoài tiềm năng logistics mạnh mẽ, Viettel Post tập trung phát triển nền tảng sàn thương mại điện tử Vỏ Sò trở thành “đôi cánh” cho các thương hiệu sản phẩm quốc gia Việt Nam vươn ra thế giới. Trong mùa vụ vải thiều Bắc Giang 2021, dưới sự chỉ đạo, phối hợp cùng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang thị trường Châu Âu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới trên chính nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.

Thành công bước đầu này là nền tảng để Viettel Post đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới, đưa các sản phẩm Việt chất lượng cao đến tay người tiêu dùng toàn cầu.  

Từ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có tiêu chuẩn khắt khe như Châu Âu, Phó tổng giám đốc Viettel Post Đinh Thanh Sơn đã chỉ rõ những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp Việt dễ gặp phải trong quá trình tiếp cận thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo ông Đinh Thanh Sơn: “Doanh nghiệp Việt sẽ vấp phải câu chuyện về thương hiệu khi tiến ra thị trường toàn cầu và mỗi một quốc gia đều có những yêu cầu khác nhau về tiêu chuẩn đối với từng mặt hàng. Với kinh nghiệm và lợi thế về nguồn lực của Viettel Post, chúng tôi sẽ đưa ra những tư vấn chính xác tới doanh nghiệp để làm sao giúp họ đáp ứng được những yêu cầu của nước sở tại”.

Trước thắc mắc của các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực bảo đảm giao hàng đúng tiến độ tới thị trường quốc tế, ông Đinh Thanh Sơn thẳng thắn bày tỏ, khi thực hiện thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp logistics không đi gom từng đơn nhỏ lẻ mà buộc phải thực hiện những lô hàng lớn sang kho ngoại quan. Từ kho ngoại quan này, Viettel Post tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài.

“Như trong trường hợp cụ thể đối với sàn thương mại điện tử JD, Viettel Post sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đưa hàng hoá từ Việt Nam sang kho của nước bạn và tư vấn tiêu chuẩn, điều kiện, cách thức tách hàng để làm sao khi sang Trung Quốc, JD sẽ chuyển phát nhanh nhất trong thị trường nội địa của họ”, ông Đinh Thanh Sơn tiết lộ chi tiết.

Phó Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng nhận định, với sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp uy tín trong nước khi trở thành đối tác trên sàn JD sẽ tăng cường nguồn lực cũng như giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp Việt khi bước ra sân chơi lớn.

Thương mại điện tử xuyên biên giới mở ra câu chuyện xuất khẩu không chỉ cho doanh nghiệp lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thời cơ. Do đó, Viettel Post hiểu rõ vai trò của mình trong vận chuyển và bảo quản, thông quan hàng hoá. 

Phó tổng giám đốc Đinh Thanh Sơn bày tỏ: “Triết lý của Viettel là lấy khách hàng làm trung tâm. Viettel Post chúng tôi luôn xác định sứ mệnh của mình là giúp đỡ khách hàng kinh doanh với chi phí tối ưu, thời gian vận chuyển nhanh nhất và luôn mang lại hiệu quả tốt nhất cho khách hàng”.

 Việt Anh