Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa tại TP.HCM
Chiều 21/7/2021, Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản (Tổ công tác 970) có báo cáo nhanh “Tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo Báo cáo, nông sản cung ứng cho tiêu dùng không thiếu, không những đảm bảo cung ứng trong tỉnh mà còn cung cấp ra bên ngoài. Nếu không có biến động lớn thì khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong vùng vẫn ổn định lâu dài.
Báo cáo nêu lên 5 vấn đề cần được xử lý ngay:
Một là, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị tắc nghẽn do các trạm kiểm soát Covid-19 kiểm soát chặt. Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, cần giấy xét nghiệm làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.
Hai là, chợ truyền thống, chợ đầu mối vốn là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản được cung cấp cho TP.HCM. Hiện các chợ này hầu hết bị đóng cửa, gây ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho thành phố.
Ba là, vấn đề nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp khi giãn cách xã hội, việc thiếu lao động đã xảy ra. Các địa phương đã và đang tìm cách tháo gỡ, nhưng một số nơi vẫn còn thiếu cục bộ.
Bốn là, theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam đã có công nhân dương tính với Covid-19, đang phải tạm dừng sản xuất, bao gồm Đồng Tháp, Cần Thơ , TP.HCM, Long An, Vũng Tàu.
Năm là, ở các tỉnh thuộc phạm vi áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng, hiện có một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y..., nhưng do áp dụng chỉ thị 16 nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại, gia hạn theo quy định.
Tổ Công tác 970 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đưa giống cây, giống vật nuôi, vật tư… vào danh mục hàng thiết yếu vì hiện nay một số tỉnh phản ánh việc vận chuyển cây con giống và vật tư đầu vào gặp khó khăn, gây bất ổn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đề nghị cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh và TP.HCM. Kiến nghị Thủ tướng cho phép tạm gia hạn các giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản có giấy chứng nhận đã hết hạn hoặc sắp hết hạn.
Tổ công tác 970 cũng kiến nghị Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo chỉ thị 16. Đề nghị TP.HCM phối hợp Bộ Công Thương và Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến
Ngay sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có công văn hỏa tốc gửi các sàn thương mại điện tử lớn tăng cường hỗ trợ chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng các chương trình bán hàng thiết yếu đảm bảo không đứt gãy nguồn cung hàng hóa tại khu vực TP. HCM.
Đồng thời, Cục cũng làm việc với các sàn thương mại điện tử như Voso (Viettel Post), Sendo, Postmart, Tiki (Tiki Ngon) và các đối tác vận hành thương mại điện tử... để tổ chức hàng hóa, tăng cường nguồn hàng cho người dân khu vực TP.HCM.
Số liệu được ghi nhận đến ngày 20/7 cho thấy, lượng đơn hàng tăng đột biến trong những ngày giãn cách xã hội.
Cụ thể, sàn thương mại điện tử Tiki đã tiêu thụ khoảng 10 tấn rau của quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu trên Shopee đã tăng mạnh khoảng trên 30 tấn/ngày. Sàn thương mại điện tử Lazada có sản lượng tiêu thụ trung bình 5-10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Đặc biệt, theo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, sàn thương mại điện tử Voso và Postmart có lợi thế về logistics nên đã tổ chức được cả hình thức bán hàng bình ổn giá online kết hợp offline, đảm bảo vận chuyển tới từng khu vực cách ly hoặc bán trực tiếp tại các Bưu cục của Viettel Post, VietnamPost, bưu điện văn hóa xã.
Đội ngũ của sàn thương mại điện tử Postmart cũng tăng cường tuyên truyền người dân về cách thức mua hàng tại hàng trăm điểm bán hàng tại các bưu cục và đặt hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn tại các tỉnh thành phố như HCM, Bình Dương, Vũng Tàu, Phú Yên, Khánh Hòa…
Tính đến hết ngày 17/7, chương trình thực phẩm lưu động tại TP.HCM của sàn thương mại điện tử Voso đã ghi nhận hơn 150 tấn rau củ quả được tiêu thụ tại 34 điểm bán lưu động tại 20 quận huyện TP.HCM. Sản lượng đơn đặt hàng trên Voso tiếp tục tăng cao.
Viettel Post và Vo So sẽ tiếp tục tăng lượng hàng nhập đầu vào, dự kiến 60-80 tấn/ngày, đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cho thị trường TP.HCM. Người dân TP.HCM có thể dễ dàng tra cứu các điểm bán lưu động của Voso bằng cách tìm “điểm bán hàng bình ổn Voso “ trên google maps, hoặc đặt hàng tại ứng dụng Voso.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử cho biết, bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, hiện đại, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ người dân có thể mua sắm một cách thuận lợi tại nhà và giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục cùng với các sàn thương mại điện tử chung tay, chung sức, tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hóa, kể cả việc đưa từ khu vực miền Trung, miền Bắc vào trong Nam.
Phương Thảo
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)