Sáng 9/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày tờ trình dự thảo Luật Việc làm sửa đổi.

Dự thảo Luật còn 9 chương, 94 điều, giảm 36 điều so với dự thảo Luật kèm Tờ trình số 410/TTr-CP.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: QH).
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Ảnh: QH).

Luật sửa đổi nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Phạm vi điều chỉnh của Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký lao động; hệ thống thông tin thị trường lao động phát triển kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm.

Dự thảo luật gồm 4 nhóm chính sách lớn gồm: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cụ thể, sẽ xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia, đẩy mạnh giao dịch việc làm trên môi trường mạng theo hướng công khai, minh bạch có sự kết nối, liên thông. Trong đó, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của ngành lao động, thương binh và xã hội trong hệ thống thông tin thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng, hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu của người lao động, người sử dụng lao động; xây dựng sàn giao dịch việc làm công và tư.

Cùng với vai trò của ngành lao động, các cơ quan thống kê chịu trách nhiệm về thông tin thị trường lao động thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông tin thị trường lao động theo pháp luật về thống kê.

Quốc hội nghe báo cáo tờ trình dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: QH).
Quốc hội nghe báo cáo tờ trình dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: QH).

Thứ hai, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động. Dự Luật sửa đổi chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tập trung hỗ trợ hiệu quả cho người lao động thất nghiệp, thúc đẩy trách nhiệm doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Cùng với đó, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, đồng thời tạo thuận lợi cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp.

Thứ ba, phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở nhóm này, dự Luật bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, công nhận tương đương, miễn đánh giá kỹ năng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người lao động trong nâng cao trình độ kỹ năng nghề, thúc đẩy doanh nghiệp tuyển và sử dụng lao động có tay nghề.

Với nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, dự Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định tạo cơ hội cho tất cả người lao động, không phân biệt có hay không có quan hệ lao động.

Thứ tư, dự Luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ việc làm phù hợp với xu hướng mới như việc làm xanh, việc làm số, chuyển đổi năng lượng, thích ứng già hóa dân số.

"Các nội dung này rất đa dạng, liên tục thay đổi, biến động, do đó luật chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Một điểm đáng lưu ý là quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Cụ thể, theo Điều 64, những trường hợp sau sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức.

- Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

- Người lao động hưởng lương hưu.

- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thiên Trường