Nhiều điểm sáng

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 phiên thứ tư với chủ đề “Động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”, các chuyên gia đã đưa ra góc nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế thời gian qua và những dự báo trong tương lai.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, năm nay, kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực và khả năng đạt tăng trưởng 7%. Năm 2025, dự báo mức tăng trưởng từ 6,6% - 6,8% hoặc có thể đạt mức cao hơn từ 7% - 7,5%.

Kết quả ngắn hạn về kinh tế - xã hội trong 11 tháng qua về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu ròng đều tích cực. Số liệu tín dụng hiện tại tăng trưởng khoảng 12% hết 11 tháng, và Ngân hàng Nhà nước vừa công bố rằng tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với khoảng 9% của năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng đồng đều hơn, đây là những yếu tố tích cực.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế 2024 có nhiều tín hiệu tích cực, tạo đà cho năm 2025.
Bức tranh tăng trưởng kinh tế 2024 có nhiều tín hiệu tích cực, tạo đà cho năm 2025.

Ông Lực cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cũng có rất nhiều cơ hội từ các động lực: Kiểm soát lạm phát, tỷ giá tăng nhưng sẽ giảm dần, đặc biệt là rủi ro tài khóa ở mức trung bình liên quan đến nợ công, nợ tư nhân ở mức thấp. Lãi suất giảm, kể cả trong bối cảnh lãi suất huy động có tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm 1% so với từ đầu năm. Đây là diễn biến tích cực trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi. Nợ xấu tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế nước ta năm 2024 diễn biến “khác thường” nhưng mang hướng tích cực. Quý 1/2024, khu vực kinh tế nội địa gặp nhiều khó khăn. Đến các quý sau, tình hình kinh tế khởi sắc hơn, điều này đến từ sự vực dậy của khu vực kinh tế ngoại, từ xuất khẩu đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chi ngân sách vẫn ở mức cao. Chi thường xuyên của ngân sách, chủ yếu dành cho bộ máy hành chính, chiếm tới 70%. Trong khi đó, nguồn thu nội địa chỉ đạt 18,6%. Các điểm nghẽn thể chế cần giải quyết để tạo lòng tin cho doanh nghiệp.

Về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, phân tích: Năm 2023 ghi nhận vốn FDI tăng tới 32% nên mức tăng 1% trên nền rất cao của năm nay thể hiện khả năng thu hút FDI của nền kinh tế vẫn rất tốt.

Trong 30 năm qua, dù việc thu hút vốn FDI còn những vấn đề tồn tại, chưa được như kỳ vọng nhưng rõ ràng, dòng vốn này đã ảnh hưởng tích cực đến kinh tế, nhất là xuất khẩu với 70% kim ngạch đến từ khối này. Điều này cực kỳ quan trọng bởi những thời điểm kinh tế Việt Nam phát triển đột phá đều chủ yếu nhờ vào xuất khẩu.

Ông Cường dự báo, năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam. Trước đây, nhà đầu tư tìm lao động giá rẻ nhưng giờ họ đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ cao. Đây sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số. Các dự án luật thông qua mới đây cũng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế. Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số nhờ vào FDI công nghệ cao.

Ở góc độ ngành ngân hàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, năm 2025 ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đáp ứng tốt nhất các nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt khoảng 7%, dù đây là một thách thức lớn, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng vào việc đạt được mục tiêu này. Ngành sẽ triển khai các chính sách lãi suất hợp lý, kiểm soát ổn định tỉ giá, đồng thời duy trì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng lớn và các ưu đãi chính sách để cơ cấu lại hoạt động, dòng tiền...
Doanh nghiệp cần nắm bắt các xu hướng lớn và các ưu đãi chính sách để cơ cấu lại hoạt động, dòng tiền...

Doanh nghiệp nên làm gì?

Theo TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất… để cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro tài chính, dòng tiền. Đồng thời, nắm bắt các xu hướng lớn: Xu hướng phát triển kép: “xanh hóa và số hóa”, tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững; đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các công nghệ mới (AI, tự động hóa, an ninh mạng...).

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon; nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin - dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, bảo hộ thương mại…. Đồng thời, tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia….

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, cần có sự cải cách về tư tưởng và quan điểm pháp luật; cải cách về cơ chế thực thi phải thật sự hiệu quả. Cuộc cách mạng bộ máy phải đi theo hướng xác định rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, không còn tình trạng phải xin phép nhiều cửa, khi đó chức năng và nhiệm vụ của từng vị trí trong bộ máy sẽ được rõ ràng.

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia, nhìn nhận, động lực chính cho tăng trưởng GDP nước ta trong thời gian tới sẽ đến từ tiêu dùng nội địa.

“Để tận dụng cơ hội này, cần tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Từ năm 2025 trở đi, với hạ tầng được cải thiện, chi phí logistics có thể giảm đáng kể, cùng với sự đầu tư của Chính phủ vào năng lượng và hạ tầng số, nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, TS. Trần Du Lịch cho hay.

Thuỳ An