Bài 2: Quá nhiều bất cập 

TH&CL có bài phản ánh "Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Tước công người khai hoang” - đã nêu lên sự việc nhiều hộ dân tại phường Long Bình (TP. Biên Hoà) từ trước những năm 1993, họ đã khai phá khoảng 15 ha đất  để sản xuất từ đó đến nay.

Đùng một cái, một số lãnh đạo chính quyền nơi đây vào “cưỡng chế trắng” mà không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất? - Hình 1

Khu đất khoảng 15 ha vừa là trang trại nuôi và trồng cây lâu năm của 7 hô dân, giờ thanh bãi đất hoang

Cưỡng chế không... quyết định?

Tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Văn Dũng, một trong 7 hộ dân có chung số phận bị “cưỡng chế trắng” cho biết: “Chúng tôi bỏ bao nhiêu tiền của, công sức, sau nhiều năm khai hoang thành vườn cây ăn quả, cây lâu năm. Quá trình sử dụng đất, tôi chưa bao giờ nhận được một quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc vi phạm về quản lý đất đai và cũng chưa nhận được quyết định nào về việc thu hồi đất từ phía chính quyền, nhưng họ lại cưỡng chế?”.

Vào lúc 14h30 ngày 11/1/2017, UBND phường Long Bình mời một số hộ dân (trong 7 hộ dân bị cưỡng chế, không có ông Dũng) lên UBND phường, giao cho Quyết định số 19/QĐ-CC, do ông Nguyễn Tấn Long - Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hoà ký ngày 5/1/2017 “về việc cưỡng chế thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả Quyết định số 7979/QĐ-KPHQ ngày 13/12/2016 (cũng do ông Long ký trước đó) theo yêu cầu của UBND phường Long Bình”.

Và Thông báo số 03/TB-UBND ngày 9/1/2017 của UBND phường Long Bình “về việc tổ chức cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm đất”.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất? - Hình 2

Quyết định số 19/QĐ-CC và Thông báo số 03/TB-UBND mà phường Long Bình đã giao cho một số hộ dân trước khi cưỡng chế 1 tuần

Ngày 19/1/2017 - nghĩa là sau chưa đến 1 tuần khi người dân nhận thông báo cưỡng chế, thì đoàn cưỡng chế hơn 100 người của TP. Biên Hoà, do ông Nguyễn Tấn Long - Phó chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu, đã cho xe san ủi phá dỡ toàn bộ công trình, hoa màu trên phần diện tích hơn 15 ha của 7 hộ dân này, gồm: 5 căn nhà tạm, 3 dãy chuồng trại chăn nuôi, làm chết hàng ngàn con gia súc, gia cầm của các hộ dân; ngoài ra còn có 8 ha rừng tràm, rau sạch, cỏ cao sả, 2.000 cây xà cừ 5 năm tuổi... ước tính thiệt hai hàng chục tỷ đồng của người dân.

Trớ trêu hơn, ông Lê Văn Dũng, người đang sở hửu trang trại chăn nuôi, trồng trọt trên diện tích khoảng  2,5 ha lại không nhận được Quyết định cưỡng chế, nhưng vẫn bị cưỡng chế, trong khi theo quy định người bị cưỡng chế sẽ nhận được Quyết định cưỡng chế trước thời điểm tiến hành cưỡng chế tối thiểu 15 ngày (?!).

Ông Dũng cho biết: “Các gia đình khác còn nhận được thông báo, về quyết định cưỡng chế, riêng gia đình tôi không nhận được bất cứ giấy tờ gì đến việc cưỡng chế của các cấp chính quyền cả. Không hiểu, những người trong đoàn cưỡng chế nêu trên căn cứ vào đâu để cưỡng chế, cho xe vào ủi hết tài sản, hoa màu, vật nuôi của gia đình chúng tôi”?

Có dấu hiệu khuất tất?

Sau khi nhận Quyết định cũng như thông báo cưỡng chế, các hộ dân đã phát hiện những điểm không phù hợp, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên họ chấp nhận và làm đơn thư kiến nghị đến các cấp chính quyền, nhưng mọi việc lại rơi vào im lặng (!).

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất? - Hình 3

Sau khi bị cưỡng chế, các hộ dân đã phát hiện những điểm không phù hợp nên gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết?

Ông Nguyễn Quốc Doanh bức xúc: “Nếu chúng tôi đang sử dụng là đất lấn chiếm, là vi phạm pháp luật thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi pham hành chính đối với gia đình. Trong trường hợp, gia đình không tự nguyện thực hiện quyết định thì phải ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chứ không thể ngang nhiên đập phá nhà cửa, hoa màu của dân như vậy?”.

Theo Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP. HCM, theo Luật Đất đai 2013, khi Nhà nước muốn thu hồi đất phải thực hiện những bước sau: Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm. UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.

Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, phường, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

UBND cấp xã, phường có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thì UBND cấp xã, phường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thì chủ tịch UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp, người có đất thu hồi không chấp hành, thì chủ tịch UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế…

Đối chiếu quy đinh trên của pháp luật về đất đai với vụ việc, Luật sư Đạt nhận xét: UBND phường Long Bình thực hiện quy trình thu hồi cưỡng chế “không giống ai”, không theo quy định nào và có dấu hiệu khuất tất!

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất? - Hình 4

Ông Lê Văn Dũng không biết những con bò của gia đình mình giờ đang ở đâu?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì: “trong trường hợp trên đất bị cưỡng chế có tài sản như nhà cửa, vật nuôi, cây trồng, chuồng trại và các tài sản có giá trị khác…, thì tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế, đồng thời yêu cầu người có tài sản tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không tự nguyện thực hiện thì tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa các cá nhân, tổ chức đó cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế đến nơi ở tạm đã được bố trí trước.

Trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế từ chối nhận tài sản, tổ chức chủ trì thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tổ chức thực hiện trông giữ, bảo quản tài sản đúng theo quy định của pháp luật và thông báo địa điểm, thời gian để cá nhân, tổ chức có tài sản nhận lại tài sản”.

Tuy nhiên, không biết vì sao lực lượng cưỡng chế TP. Biên Hoà lại bỏ qua quy định này mà  “thu giữ” luôn tài sản của người dân, mà đến nay các hộ dân này không biết tài sản của mình đang ở đâu? Ai quản lý và quản lý như thế nào; bao giờ được nhận lại?...

Câu trả lời - xin nhường lại cho phía các cơ quan chức năng TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cao Diên - Hải Dương