Bài 1: Long Khánh  (Đồng Nai)  - "mượn tay" tòa án để hợp thức hóa đất công?

Năm 1994, Nông trường An Lộc cho một số hộ dân thuê đất xây dựng ki ốt bán hàng nhằm cải thiện đời sống. Người dân cũng đã sử dụng ổn định hơn 20 năm qua, nay bỗng nhiên bị khởi kiện yêu cầu trả đất. Điều đáng nói, không phải nông trường kiện mà là một hộ dân chưa được cấp GCNQSDĐ đứng ra kiện?

Kios của gia đình ông Thân được Nông trường An Lộc cho thuê mặt bằngKi ốt của gia đình ông Thân được Nông trường An Lộc cho thuê mặt bằng (Ảnh: HD)

Từ quyết định cho thuê đất của Nông trường An Lộc…

Câu chuyện của ông Hoàng Trọng Quốc Thịnh - người đại diện theo ủy quyền của ông Hoàng Trọng Thân (trú ấp Suối Tre, xã Xuân Lập) về việc gia đình ông bỗng nhiên bị khởi kiện do tranh chấp quyền sử dụng đất với ông Nguyễn Đăng Sỹ và đã được TAND TP. Long Khánh (Ngày 10/4/2019Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 673/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập 5 phường thuộc TX. Long Khánh và thành lập TP. Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai) xử sơ thẩm là một ví dụ. Tuy nhiên, rất nhiều chứng cứ tài liệu liên quan được cho là không chính xác, nhưng vẫn được cấp tòa thụ lý và tuyên án khiến người dân bức xúc.

Theo trình bày của ông Thịnh: Ngày 15/6/1987, UBND huyện Xuân Lộc ban hành quyết định cấp nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Ánh, là con của liệt sỹ và đồng thời là chị của ông Nguyễn Đăng Sỹ (người đang đâm đơn khởi kiện một số hộ dân thuê đất xây ki ốt của Nông trường An Lộc từ năm 1994). Trên cơ sở quyết định đó, Nông trường An Lộc đã bàn giao lô đất cao su của Đội 3 cho bà Ánh, xây dựng nhà tình nghĩa với diện tích 46 m2.

Năm 1994, bà Nguyễn Thị Mừng, vợ ông Hoàng Trọng Thân, là giáo viên hưu trí được Nông trường An Lộc cho thuê mặt bằng tại khu vực Đội 3 – lô số 21 để xây dựng ki ốt kinh doanh sách báo. Vị trí ki ốt nằm phía trước bên trái nhà tình nghĩa của gia đình bà Ánh. Gia đình bà Mừng sử dụng ki ốt từ năm 1994 cho đến nay, nhưng đã ngưng nộp phí thuê đất cho Nông trường An Lộc kể từ năm 1998.

Năm 1996, gia đình ông Sỹ sử dụng nhà tình nghĩa trên để ở. Đến năm 1997, Giám đốc Nông trường An Lộc ban hành quyết định cấp đất không số - cấp đất cho gia đình ông Sỹ là mảnh đất mà gia đình ông đang ở với lý do cấp đất cho công nhân.

Ngày 21/3/2003, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định về việc thu hồi đất của Nông trường An Lộc, giao cho UBND huyện Long Khánh quản lý. Trên cơ sở đó, Nông trường An Lôc đã bàn giao thửa đất có căn nhà tình nghĩa và ki ốt trên cho địa phương quản lý.

Ngày 9/12/2003, bà Ánh lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Trương Thị Hồng quyền sử dụng diện tích đất 270 m2 phía sau ki ốt nhà bà Mừng với giá 11 lượng vàng và đưa trước 5,5 lượng.

Ngày 24/7/2007, UBND TX. Long Khánh (Ngày 21/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2003/NĐ-CP, giải thể huyện Long Khánh để thành lập TX. Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ) ra quyết định mới - công nhận việc bà Ánh chuyển giao căn nhà tình nghĩa cho ông Sỹ quản lý và sử dụng.

… Đến vụ tranh chấp phi lý

Mọi việc sẽ êm thấm, nếu không có vụ chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích đất 270 m2 phía sau ki ốt nhà bà Mừng với giá 11 lượng vàng và ông Sỹ vẫn sử dụng phần đất được Nông trường An Lộc cấp cho công nhân, cũng với căn nhà tình nghĩa và gia đình nhà bà Mừng (ông Hoàng Trọng Thân) vẫn yên ổn sử dụng ki ốt đã được quy hoạch làm đường giao thông cho đến khi Nhà nước yêu cầu thu hồi. Tuy nhiên, sự việc không như vậy...

Nông trường An Lộc khẳng định kios nằm trong lộ giới chờ thu hồiNông trường An Lộc khẳng định ki ốt không ảnh hưởng đến nhà tình nghĩa của ông Sỹ (Ảnh: HD)

Năm 2003, bà Ánh lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Hồng quyền sử dụng diện tích đất 270 m2 phía sau ki ốt nhà bà Mừng với giá 11 lượng vàng và đưa trước 5,5 lượng. Cũng trong năm này, bà Ánh có đơn đề nghị UBND xã Suối Tre giải quyết trả lại mặt bằng phía trước nhà tình nghĩa của ông Sỹ. Lúc này, Nông trường An Lộc đã có công văn trả lời UBND xã với nội dung rằng, việc xây dựng ki ốt không ảnh hưởng đến nhà tình nghĩa và phần đất xây dựng ki ốt dùng để quy hoạch mở rộng đường sau này, vì vậy, các hộ dân có ki ốt buôn bán chỉ là tạm thời sử dụng.

Đến năm 2007, ông Sỹ gửi đơn khiến nại về vấn đề trên. Công ty Cao su Đồng Nai có công văn trả lời UBND xã Suối Tre, xác nhận ki ốt của gia đình bà Mừng có nguồn gốc do Nông trường An Lộc quản lý, thuộc diện bàn giao địa phương giải quyết theo Quyết định số 823/QĐ.CT.UBT của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai năm 2003 ban hành về việc thu hồi đất của Nông trường An Lộc (thuộc Công ty Cao su Đồng Nai), giao cho UBND huyện Long Khánh và Công ty Kinh doanh nhà Đồng Nai tại các xã Suối Tre, Bàu Sen, Xuân Lập, huyện Long Khánh.

Theo đó, UBND huyện Long Khánh có trách nhiệm quản lý đất đường giao thông hiện hữu và diện tích quy hoạch mở đường theo quy định chung. Trên cơ sở đó, Nông trường An Lộc đã bàn giao thửa đất có căn nhà tình nghĩa và ki ốt nêu trên cho địa phương quản lý. Và công ty cũng đề nghị UBND xã Suối Tre xem xét cho gia đình bà Mừng, ông Thân tạm thời sử dụng trong khi chưa giải tỏa hành lang lộ giới.

Một lần nữa, ngày 1/10/2014, ông Sỹ lại gửi đơn kiện ông Thân buộc phải di dời ki ốt để giao trả mặt bằng với diện tích 76,3 m2; yêu cầu ông Thân phải tháo dỡ ki ốt trả lại cho ông diện tích đất 20 m2 (2,5mx8m). Đồng thời, trả lại mặt bằng theo giáp ranh của quyết định cấp đất. Sau đó, ông Sỹ bổ sung yêu cầu khởi kiện buộc ông Thân phải di dời ki ốt giao trả mặt bằng cho ông với diện tích 16,3 m2.

Ngày 1/3/2017, bà Trương Thị Hồng gửi đơn khởi kiện đến TAND TX. Long Khánh, theo đó, yêu cầu bà Ánh buộc ông Thân di dời ki ốt chiếm diện tích 22,3 m2 giao trả mặt bằng cho bà Hồng.

Dư luận đặt câu hỏi:

Vì sao một ki ốt đã được xác nhận không ảnh hưởng gì đến phần đất phía sau, bỗng dưng tới tấp bị kiện? Nguyên do là gì?...

Hải Dương