Cụ thể, đại diện Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai cho biết, tính đến ngày 14/08, trên địa bàn tỉnh có hơn 2,1 ngàn dự án điện mặt trời mái nhà chưa được thanh toán tiền. 

Theo Công ty Điện lực Đồng Nai, các dự án đang bị dừng thanh toán điện mặt trời mái nhà do thiếu giấy phép đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình, thiếu giấy phép xây dựng đối với các trang trại nông nghiệp và mái nhà xưởng công nghiệp.

Trong hình là công trình điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng tại Khu công nghiệp Tam Phước
Trong hình là công trình điện mặt trời mái nhà trên mái nhà xưởng tại Khu công nghiệp Tam Phước. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Ngành điện cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án đã bổ sung thủ tục pháp lý, cam kết tự chịu trách nhiệm về tính an toàn, pháp lý nên đã tiếp tục được thanh toán tiền. Tuy nhiên, còn nhiều dự án quy mô nhỏ chưa bổ sung giấy phép kinh doanh, dự án thuê mái nhà xưởng chưa bổ sung giấy phép xây dựng nên ngành Điện chưa có cơ sở thanh toán.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp có đơn kiến nghị, khiếu nại liên quan đến thanh toán, lắp đặt điện mặt trời. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể, ngành Điện tạm dừng đấu nối các công trình mới nên nhà đầu tư gặp không ít khó khăn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị văn phòng UBND tỉnh có văn bản nhắc lại Bộ Công thương về kiến nghị của UBND tỉnh trước đây; Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh phản hồi văn bản của Tổng công ty Điện lực miền Nam về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của UBND tỉnh. Sở Xây dựng phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp rà soát các quy định đồng thời kiến nghị Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn công trình điện trên mái nhà xưởng

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) là giải pháp vừa tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền điện hằng tháng, vừa góp phần giảm phát thải nhà kính. Cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN những năm qua của Chính phủ cũng nhằm mục tiêu này.

Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đang còn tồn tại nhiều rào cản. Không ít dự án đặt mục đích thương mại, kinh doanh lên hàng đầu đã dẫn đến hệ lụy: quá tải hệ thống phải giảm huy động công suất, thiếu cơ sở pháp lý bị tạm ngừng hợp đồng, thậm chí sai phạm. Do đó, lắp đặt ĐMTMN để xanh hóa sản xuất cần có cơ chế khuyến khích, chính sách cụ thể và nhất quán.

Tháng Sáu vừa qua Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã ký văn bản gửi Bộ Công thương kiến nghị hướng dẫn tháo gỡ 05 nội dung liên quan đến : ngành điện xác định cơ sở pháp lý để yêu cầu chủ đầu tư bổ sung các loại giấy tờ cho dự án đã đầu tư; hệ thống ĐMTMN dưới 1MW là ngành nghề có điều kiện hay không, điều kiện đó là gì; dự án ĐMTMN trên mái nhà xưởng trang trại nông nghiệp nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử đất; trường hợp thuê lại mái nhà xưởng của DN để đầu tư dự án ĐMTMN xin giấy phép xây dựng như thế nào; trình tự, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMT sau ngày 31/12/2020 để sử dụng, không bán. Hiện Bộ Công Thương chưa có văn bản trả lời.    

 Phong Vân