Vừa qua, tình hình tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phức tạp trên mọi lĩnh vực, các đối tượng hình thành băng ổ nhóm để hoạt động, chia lẻ hàng hóa để dễ cất giấu vận chuyển, tiêu thụ, thu lợi bất chính.

Với đặc tính siêu lợi nhuận, các đối tượng sản xuất buôn bán hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT thường là thành phần kinh tế tư nhân, có điều kiện kinh tế, có chuyên môn, kỹ thuật và am hiểu về chuyên ngành, khi nắm bắt sự khan hiếm, sức tiêu thụ của một mặt hàng nào đó trên thị trường, sẽ tập trung sản xuất hàng hóa giống với hàng thật khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Việc sản xuất được chia thành nhiều công đoạn ở nhiều nơi khác nhau như in vỏ bao bì, nhãn mác, pha trộn, đóng gói sản phẩm chưa thành phẩm, thay nhãn mác mới, đóng thùng hộp để tiêu thụ, trong trường hợp hàng hóa bị thu giữ cũng sẽ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong xác minh truy xuất nguồn gốc của hàng hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hàng hóa được làm giả từ những mặt hàng tiêu dùng thông thường đến hàng có giá trị cao, từ đơn giản đến tinh vi, rất khó phát hiện, với cách thức quy mô nhỏ lẻ đến sản xuất hàng loạt, có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp. Các mặt hàng thường bị làm giả trên thị trường như: Quần áo, giày dép, sản phẩm thời trang, bột ngọt, bột giặt, chế phẩm vệ sinh, dầu nhớt, mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, sữa...

Tuy nhiên, trong năm 2021, Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao luôn bám sát chức năng nhiệm vụ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Hàng năm, chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch chuyên đề ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Chỉ đạo lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389/ĐP các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh. Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là 2.638 vụ; số vụ chuyển cơ quan điều tra và có quyết định khởi tố hình sự: 33 vụ; 160 bị can.

Vụ việc điển hình là chuyên án 920G do Công an Đồng Nai chủ trì: Theo kết quả điều tra, qua công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ và từ tin tố giác của quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả với quy mô đặc biệt lớn. Các đối tượng đã thành lập nhiều công ty vận chuyển, công ty mua bán xăng dầu để làm bình phong; thuê các kho chứa dọc theo các tuyến đường sông và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng để hoạt động buôn lậu xăng, dầu. Trước tình hình trên, công an Đồng Nai đã báo cáo và được lãnh đạo Bộ Công an giao chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức phá án.

Vật chứng thu giữ gồm: 02 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 05 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 06 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 04 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật khác liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng. Hành vi trên của các đối tượng cấu thành tội “Buôn lậu”, “Sản xuất buôn bán hàng giả”, “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” theo Điều 188, Điều 192, Điều 203 Bộ luật hình sự.

Ngày 08/02/2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với 35 đối tượng và đã được VKSND tỉnh phê chuẩn. Sau khi điều tra mở rộng, Cơ quan CSĐT đã ra QĐ khởi tố mới 98 bị can về tội buôn lậu, 01 bị can về tội nhận hối lộ. Hiện đang tiếp tục điều tra xác minh làm rõ.

Để đạt được kết quả như trên trong năm 2021, lực lượng chức năng và các địa phương đã rất quyết liệt trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, tuy nhiên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi và manh động, sẵn sàng đối phó với lực lượng chức năng để bảo vệ hàng hóa vi phạm.

Do đó, để thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh trong năm 2022, các lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389/ĐP các địa phương cần xây dựng các phương án, tập trung, quyết liệt tăng cường triển khai các Kế hoạch chuyên đề đã xây dựng như xăng dầu; khoáng sản; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; hàng hóa giả mạo nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam; hàng hóa kinh doanh trên thương mại điện tử và đặc biệt là nhóm mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tăng cường và đổi mới phương thức tuyên truyền pháp luật, văn bản pháp luật, đường dây nóng nhằm nâng cao nhận thức trong sản xuất, kinh doanh và ý thức sử dụng, tiêu dùng hàng hóa của người dân.

Hà Trần