Theo cơ quan điều tra, 2 tàu Nhật Minh 07 và 09 có tải trọng mỗi chiếc 1.500 tấn, được sử dụng vào việc vận chuyển, bơm hút xăng lậu.
Trước đó, vào đêm 6/2, khi lực lượng cảnh sát tiến hành kiểm tra, thì thuyền viên trên 2 tàu này đã chống trả quyết liệt, đâm va vào tàu của lực lượng chức năng và trốn thoát. Sau đó, 2 chiếc tàu này được sơn sửa lại, nhằm che mắt lực lượng chức năng.
Ngày 24/2, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an tỉnh Đồng Nai đã thu giữ 2 con tàu trên tại cầu cảng sông Hậu, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
Cảnh sát đã khám xét 2 con tàu, lấy lời khai của 2 thuyền viên tàu Nhật Minh 07 và thợ máy trên tàu Nhật Minh 09.
Trước đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt giam 33 người về hành vi buôn lậu và tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội khác của các bị can trong đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả, do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu.
Ngoài ra, cơ quan điều tra tiếp tục tạm giữ hình sự đối với Lê Thành Trung (38 tuổi, ngụ ở TP Cần Thơ) để làm rõ hành vi mua bán hóa đơn liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả.
Đồng loạt khám xét các cây xăng, kho hàng tại các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh vào tối 6/2, Công an Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỷ đồng...
Đường dây này đã cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả ra thị trường mỗi ngày. Từ tháng 8/2020 đến khi bị phát hiện, bắt giữ có khoảng 200 triệu lít xăng giả đã được nhóm đối tượng này cung cấp ra thị trường.
Theo cơ quan điều tra, kết quả giám định các mẫu xăng thu được trong chuyên án đều là giả.
Nguyễn Kiên