Theo đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Quốc Doanh (sinh năm 1950, trú khu phố 5, phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nhiều hộ dân ở đây đã rơi vào tỉnh cảnh “dở khóc dở cười…”.

Chỉ sau 1 ngày ban hành quyết định, UBND phường Long Bình (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã tiến hành cưỡng chế, đáng buồn hơn, vào đúng dịp Tết Nguyên đán!

Đồng Nai: Thực hiện cưỡng chế thu hồi đất - Bài 2: Lạm dụng chức quyền? - Hình 1

Quyết định thi hành cưỡng chế của UBND phường Long Bình, do ông Nguyễn Quốc Vương ký

Đất đã khai khẩn từ 30 năm trước!

Năm 1988, khi ông Doanh đang là thương binh điều trị tại Quân y viện 7B, gia đình đã cùng với một số quân dân có khai phá diện tích đất là 154.820 m2 (thuộc thửa đất số 10,4 Tờ bản đồ số 89 và một phần thửa đất số 01, 03, 04, 06, Tờ số 90), tọa lạc tại Tổ 5, Khu phố 7, phường Long Bình (TP. Biên Hòa) để trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, theo chủ trương của Chính phủ.

Năm 1993, biết được một phần đất khoảng 15.000 m2 thuộc quản lý của Quân y viện 7B, ông Doanh đã cùng với các ông Phạm Văn Tỉnh, Ngô Văn Hải, Đỗ Thành Châu, Trần Hồng Đường ký kết Hợp đồng giao đất trồng cây với Quân y viện 7B, thời hạn 15 năm.

Ngày 6/1/2006, Bệnh viện 7B ra Công văn số 02/BV7B - đề nghị các hộ dân ngừng canh tác phần đất có phần điện cao thế chạy qua, vì thế, bà con chỉ canh tác các loại cây ngắn ngày tầm thấp.

Tuy nhiên, tới ngày 09/10/2014, ông Trương Văn Hoạt, Giám đốc Công trường Amata đã tự ý đem xe đào và 2 xe hiệu Daihasu cùng lực lượng bảo vệ cắm mốc trong khu đất của các hộ dân này - theo như trình bày của ông Doanh.

Đồng Nai: Thực hiện cưỡng chế thu hồi đất - Bài 2: Lạm dụng chức quyền? - Hình 2

Đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Quốc Doanh đã được gửi đi nhiều nơi

Ngày 16/01/2017, ông Nguyễn Quốc Vương, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình có Quyết định số 33/QĐ-CC về việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

Tuy nhiên, ngay hôm sau (17/01/2017, giáp Tết Âm lịch), ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP. Biên Hòa và ông Nguyễn Quốc Vương, Phó chủ tịch UBND phường Long Bình, cùng hơn 100 người, trang bị xe phòng cháy chữa cháy, xe đặc chủng, xe cuốc, công cụ, cưa máy… đến vây bọc, phong tỏa, đập phá cửa cổng, 250 m tường rào bằng tôn, chặt hạ 8 ha rừng tràm và 2.000 cây xà cừ 5 năm tuổi (nằm ngoài hành lang đường điện cao thế). Họ còn dùng xe cuốc san ủi, phá cầu, điện, đường, giếng và các công trình trên đất, gồm 5 căn nhà tạm, 3 dãy chuồng trại chăn nuôi, làm chết nhiều bò, heo, dê, gà, vịt, thiệt hại tới gần 10 tỷ đồng!

"Thấp cổ bé họng"… biết kêu ai?

Khu đất này, đã do bà con khai phá từ năm 1988, trong trường hợp Nhà nước giao đất cho Công ty CP Đô thị Amata thì phải tiến hành thu hồi, thương lượng bồi thường thỏa đáng về giá đất và tài sản trên đất.

Khi phía doanh nghiệp chưa làm được như vậy, người dân khu vực này đã phải chứng kiến cảnh tượng… hàng nghìn vật nuôi của bà con chạy “tán loạn”, khi việc tháo dỡ vừa mới chỉ bắt đầu.

Đồng Nai: Thực hiện cưỡng chế thu hồi đất - Bài 2: Lạm dụng chức quyền? - Hình 3

Những con gà khát nước chết trong khu đất bị cưỡng chế

Hàng trăm con gà khát nước, hàng trăm con chết rải rác trong ngày, khắp nơi trong khu đất…

Bao nhiêu công sức khai khẩn ruộng hoang của bà con từ năm 1988, giờ đây đã tan tành!

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới quý vị độc giả.

Đỗ Cao Cường