UBND tỉnh Đồng Tháp giao:
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình đủ điều kiện phát triển lên doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, quản lý cho các chủ thể OCOP phát triển sản phẩm (thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn mác, quảng bá, tiếp thị,...); triển khai, hướng dẫn chính sách hỗ trợ để các sản phẩm OCOP có điều kiện thâm nhập vào các hệ thống siêu thị và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); kịp thời thông tin các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép của Trung ương và địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình sản phẩm OCOP.
Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, trình UBND tỉnh kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá để địa phương thống nhất thực hiện…
Được biết, luỹ kế đến ngày 17/5/2023, tỉnh Đồng Tháp có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, trong đó có 275 sản phẩm đạt 3 sao và 82 sản phẩm đạt 04 sao.
Thuận Yến - Thuỳ Linh