Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023. (Ảnh: KT)

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, đến tháng 11/2022, Chương trình đã tập huấn cho hơn 1.100 nông dân tại 12 huyện, thành phố; hoàn thành 01 lớp tập huấn cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật của tỉnh và 06 lớp tập huấn cho các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia gần 500 đại lý.

Chương trình cũng hoàn thiện nội dung và phát hành bộ tài liệu tập huấn về quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho từng đối tượng tham gia và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của địa phương như: lúa, hoa kiểng, nhãn, xoài v.v..

Trong khuôn khổ Chương trình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia của hơn 1.600 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom 16 tấn bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng.

Đồng thời, chương trình cũng đã xây dựng 02 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 300 ha tại huyện Lấp Vò và thành phố Sa Đéc với hơn 490 hộ nông dân tham gia.

Tiếp nối kết quả Chương trình năm đầu tiên, tại Hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam ký kết Kế hoạch hợp tác năm 2023. Chương trình hoạt động của năm thứ hai vẫn theo sát định hướng chung của toàn bộ dự án, tiếp nối nhiều hoạt động của năm đầu tiên.

Bên cạnh đó, chương trình nhằm hỗ trợ nông dân, cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phòng trừ dịch hại để vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, vừa duy trì môi trường xanh, sạch; đồng thời bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Ngoài ra, dịp này còn diễn ra Hội thi Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm với 03 đội tham gia gồm: Thành phố Sa Đéc, huyện Lấp Vò và huyện Châu Thành.

PV (t/h)