Hé lộ phương án đề xuất

Trong công văn vừa gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên quan phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành (thuộc Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) do VEC đề xuất, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cơ bản thống nhất với nội dung do VEC đề xuất và đề nghị VEC nghiên cứu đầu tư bổ sung nút giao kết nối với đường Long Phước vào phạm vi đầu tư của dự án này.

Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của 4 phương án đầu tư đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành do VEC đề xuất, Bộ GTVT ủng hộ phương án 2. Để có cơ sở đề xuất phương án này, Bộ GTVT đề nghị VEC phân tích bổ sung, làm rõ hình thức đầu tư theo phương án 2 là hình thức đầu tư gì theo quy định của pháp luật hiện hành; thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư và ngân sách nhà nước tham gia Dự án sẽ được thực hiện như thế nào.

Cũng trong công văn nói trên, Bộ GTVT cho biết, VEC đề xuất sử dụng vốn chủ sở hữu để tham gia Dự án là khoảng 3.135 tỷ đồng, tuy nhiên, theo phương án tài chính có sử dụng vốn của VEC để hoàn thành Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (một trong 5 dự án cao tốc do VEC đầu tư) đã được thẩm định, thì dòng tiền dư thấp nhất vào năm 2028 là 958 tỷ đồng. Do vậy, VEC cần làm rõ khả năng cân đối vốn 3.135 tỷ đồng cho việc mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Một điểm cấn cá khác trong phương án 2 là vốn điều lệ của VEC hiện nay rất thấp (khoảng 1.115 tỷ đồng) so với vốn vay hiện hữu. Do đó, Bộ GTVT đề nghị VEC làm rõ khả năng vay vốn ngân hàng thương mại 4.638 tỷ đồng.

Đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp

Dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn I do VEC đầu tư là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường liên tục tăng cao, trung bình khoảng 10,45%/năm. Đến nay, tuyến đường đã trong tình trạng mãn tải.

Đặc biệt, đoạn TP. HCM - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đưa vào khai thác sử dụng (dự kiến vào năm 2026).

Tại Công điện số 57/CĐ-TTg ngày 19/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai xem xét triển khai đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành

Tháng 9/2023, sau gần 8 tháng nghiên cứu, VEC đưa ra 4 phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành với chi phí đầu tư khoảng 15.175 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng).

VEC cho rằng, trong 4 phương được đưa ra, chỉ có 2 phương án (phương án 2 và phương án 4) có tính khả thi về mặt tài chính và đề xuất thực hiện theo phương án 2.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng thuận với đề xuất của VEC vì cho rằng, phương án 2 có ưu điểm hơn, phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC (hiện là chủ đầu tư, quản lý vận hành, khai thác, nên việc tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng Dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn Dự án); thời gian thực hiện ngắn hơn, do không phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Dự án thông qua tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư vào Dự án sẽ thực hiện được việc thu giá phù hợp với các quy định hiện hành nhằm thu hồi vốn đã đầu tư và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Do phương án VEC kiến nghị đầu tư là đầu tư công, nên Dự án phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và phải trình Quốc hội cho phép giao vốn trực tiếp cho VEC.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, trong trường hợp VEC được cấp có thẩm quyền quyết định giao làm chủ đầu tư Dự án, các vướng mắc về việc tăng vốn điều lệ, giãn thời gian hoàn trả khoản tiền gốc trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022-2027 sang hoàn trả trong giai đoạn 2032-2035 và khoản lãi phát sinh của khoản tiền này, VEC hoàn trả trong giai đoạn 2027-2036 cần phải được tháo gỡ, giải quyết.

“Phương án 2 nếu được thông qua cũng sẽ giúp VEC mở ra cánh cửa đầu tư nâng cấp một số tuyến cao tốc do đơn vị đang quản lý, như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai”, một lãnh đạo VEC đánh giá.

Hà Trần (t/h)