Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông: Cảnh báo đáng suy nghĩ của chuyên gia kinh tế - Hình 1

Dự án Điện phân nhôm Đắk Nông

Xung quanh câu chuyện Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân nhận được ưu đãi "khủng" về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt được trợ giá điện - áp dụng là 1.052 đồng/kW (chưa bao gồm thuế VAT, tương đương 5,0 cen/kwh) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm NM điện phân nhôm đưa vào hoạt động - đang là tâm điểm được dư luận đặc biệt quan tâm. Và đến thời điểm hiện tại, dự án chưa hoàn thành.

Những lời cảnh báo không thừa

Chia sẻ với phóng viên báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thành Sơn (nguyên Giám đốc Ban quản lý Dự án than đồng bằng sông Hồng) khẳng định dự án có quá nhiều vấn đề.

Theo TS. Nguyến Thành Sơn, với dự án điện phân nhôm này, ông bảo lưu ý kiến đã phát biểu tại buổi tọa đàm về dự án bô xít trước đây và chỉ có điều, giờ giá điện tăng lên thì việc bù cho giá điện dự án này càng lớn.  

Trước câu hỏi của phóng viên về việc "trong môi trường đầu tư giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau có sự bất bình đẳng ông nghĩ sao?", TS. Nguyễn Thành Sơn khẳng định: “Quá bất bình đẳng chứ còn gì nữa! Bởi chẳng có doanh nghiệp nào làm được như thế cả. Mình đã nói từ trước đó rồi, dự án này, chủ đầu tư bỏ ra hơn 600 triệu USD, nhưng 10 năm bù giá điện đã mang lại cho dự án tới 1 tỷ USD.

Trước mình tính, thủy điện, nhiệt điện bình thường nó rẻ. Nếu bây giờ lấy đầu tư vào điện mặt trời, điện gió để đảm bảo công suất điện cấp cho dự án này thì còn đắt nữa, đắt gấp đôi. Khoảng nghìn tỷ 1 năm, rõ ràng như vậy là quá bất bình đẳng”.

Theo TS. Sơn thì việc địa phương, đầu tư công phải gồng mình đầu tư hạ tầng tới công trình mà chưa biết mang lại cái gì cho địa phương, bởi vì địa phương ấy sử dụng bao nhiêu nhôm, nền kinh tế dùng bao nhiêu nhôm?

TS. Nguyễn Thành Sơn đã từng tính toán, số tiền trợ giá hàng năm cho dự án điện phân nhôm này, đủ để trợ cấp cho 10 triệu hộ nghèo/năm. “Vì tổ chức tài chính nhìn thấy dự án có không 1 tỷ USD tiền điện trong vòng 10 năm nên họ mới cho vay. Dựa vào Nhà nước trợ giá điện cho họ như thế thì họ mới vay được tiền. Quá lợi ích nhóm, rõ hoàn toàn chứ còn gì nữa! Bây giờ, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cứ giảm cho họ 2,5 cent/kWh điện đi, trong bất cứ lĩnh vực nào xem họ có làm được không?”, TS. Sơn nêu quan điểm.

Trước đó, trong buổi tọa đàm về bô xít, nhiều chuyên gia đã khẳng định sự bất cập, vô lý và đưa ra những cảnh báo về việc trợ giá này. Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thành Sơn đã cho rằng, việc nhà đầu tư yêu cầu Chính phủ cam kết cho mua điện với giá 5 cent/kWh trong vòng 10 năm, với mức tiêu hao điện thấp nhất thế giới cho công nghệ chế biến alumin thành nhôm (12.900 kWh/tấn), Dự án Điện phân nhôm Trần Hồng Quân nhôm công suất 450.000 tấn nhôm/năm, sẽ phải mua 5,8 tỷ kWh/năm.

Và để có thêm 5,8 tỷ kWh/năm, EVN phải đầu tư thêm một dự án thủy điện công suất 1.933 MW với chi phí  bỏ ra khoảng 3,8 tỷ USD (lớn hơn thủy điện Hòa Bình), hoặc một dự án nhiệt điện chạy than với chi phí đầu tư khoảng 830 triệu USD (lớn hơn nhiệt điện Phả Lại 2).

Đặc biệt, theo ông Sơn, với giá bán điện bình quân (thời điểm 2015) của EVN là 1.622 đồng/kWh (tương đương khoảng 7,5 cent/kWh mà doanh nghiệp chế biến nhôm được hưởng giá 5 cent/kWh), tất cả người dùng điện sẽ phải bù lỗ cho dự án nhôm kim loại đủ 5,8 tỷ kWh/năm, tính ra là khoảng 145 triệu USD/năm (khoảng 3.000 tỷ đồng). 

“Có lẽ, chưa có dự án nào đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay với mục đích xóa đói giảm nghèo của Nhà nước được bù lỗ “khủng” như vậy?” - quan điểm cá nhân của ông Sơn được truyền thông dẫn lời.

Theo phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy, khi nhà máy điện phân nhôm hoạt động, sẽ thải ra môi trường lượng lớn chất thải fluoride, perfluorcarbon và hydrogen dưới dạng khí thải. Nếu không được kiểm soát tốt, thì hydrogen là chất rất độc hại cho thực vật quanh nhà máy và các vấn đề khí nhà kính...

 Điện lực vay vốn để xây dựng đường dây phục vụ dự án tư nhân?

Theo cam kết ưu đãi, EVN phải chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 kV đến điểm đấu nối trạm biến áp của nhà máy.

Tháng 6/2016, Ban quản lý Dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai xây dựng lưới điện 220 kV đấu nối với Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông. Dự án này có quy mô xây dựng mới 3 tuyến đường dây 220 kV mạch kép với tổng chiều dài khoảng 12,74 km, mục đích đáp ứng yêu cầu cấp điện sản xuất đồng bộ với tiến độ vận hành Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông, tổng  mức đầu tư gần 159,9 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 130 tỷ đồng vốn vay tín dụng thương mại, do Ngân hàng TNHH Indovina - Chi nhánh Hội An tài trợ và vốn tự có của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT).

Và cũng để phục vụ dự án, vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước và ngân sách tỉnh Đắk Nông phải thực hiện một dự án song song hàng trăm tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Do ngân sách của tỉnh Đắk Nông eo hẹp, chưa bố trí được để hoàn thiện nên đến nay dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện đi vào sản xuất.

Mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc bởi “chậm tiến độ là một sự lãng phí”!

Bà Khánh nhận định, thời gian gần đây, nhiều cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc thanh kiểm tra và xử lý các dự án thua lỗ, không hiệu quả. “Việc nhận được nhiều ưu ái mà vẫn chậm tiến độ là sự lãng phí! Các cơ quan chức năng cần phải sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề mà dư luận đã phản ánh", bà Khánh cho biết.

Mới đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây Nguyên.

Được biết, quan trọng nhất là đánh giá chủ trương thực hiện dự án, hiệu quả sử dụng vốn; công nghệ ứng dụng và thị trường, sản phẩm giá cả sản phẩm của 2 dự án nêu trên...

H. Minh