Toàn cảnh tòa nhà CT2 - 105 Usilk City
Cty Sông Đà Thăng Long và hàng loạt sai phạm
Đó là những búc xúc của nhiều khách hàng mua căn hộ tại tòa CT2 - 105 Usilk City đã phản ánh tới báo Thương hiệu & Công luận thời gian qua. Bởi đã gần 8 năm kể từ ngày kí hợp đồng, đã quá thời hạn giao nhà hơn 3 năm, cả quần thể được mô tả là tổ hợp thương mại, dịch vụ văn minh, cao cấp nay vẫn là một công trường đang trong quá trình thi công, khiến nhiều người phải lao đao vì sự chây ỳ, vô trách nhiệm của chủ dự án...
Theo đó, vào năm 2010 khách hàng đã ký kết hợp đồng mua căn hộ tai Khu căn hộ cao cấp Tòa nhà CT2-105 Usilk City do Công ty CP Sông Đà Thăng Long (Sông Đà Thăng Long) làm chủ đầu tư. Trong đó, tại điều 9 hợp đồng mua bán nhà ở có nêu rõ thời gian giao nhà chậm nhất là 31/6/2014, sau 90 ngày kể từ ngày bàn giao mà CĐT không giao nhà thì khách hàng có thể hủy bỏ hợp đồng và CĐT chịu trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng tất cả các khoản mà khách đã thanh toán, đồng thời có trách nhiệm thanh toán khoản lãi phát sinh từ khoản tiền mà khách hàng đã trả cho CĐT theo lãi suất vay cao nhất do NHNN quy định. Tuy nhiên, đến sau ngày 31/6/2014 công trình vẫn đứng im và chưa xây xong phần móng toà nhà và đến nay khách hàng mua căn hộ tại dự án này vẫn ngậm trái đắng, chịu kiếp ở nhà thuê.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra số 99/KL-TTr-P2 ngày 12/1/2017 của Thanh tra TP Hà Nội, thì Sông Đà Thăng Long chưa đủ điều kiện năng lực khi được giao làm CĐT dự án KĐT Văn Khê mở rộng, cùng với đó, công ty này cũng đã dùng phần lớn số tiền thu được tại dự án này, tiền vay các tổ chức tín dụng để đầu tư ra ngoài như đầu tư các dự án BĐS khác, đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết, dùng trả gốc và lãi vay ngân hàng,... dẫn tới việc dự án KĐT Văn Khê mở rộng bị thiếu vốn đầu tư, thi công chậm tiến độ.
Có thể thấy Sông Đà Thăng Long đã vi phạm những điều khoản trong HĐMB với khách hàng. Nhưng thay vì chịu trách nhiệm thanh lý và bồi thường thiệt hại cho người mua nhà thì bất ngờ, tháng 9/2015, Sông Đà Thăng Long và Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô (Hải Phát Thủ Đô) lại "bắt tay" chuyển nhượng tòa CT2 – 105 dự án Usilk City.
Cụ thể, ngày 10/9/2015 Sông Đà Thăng Long và Hải Phát Thủ Đô đã kí Biên bản thỏa thuận số 01.BBTT/SDTL-HPTD-MB về việc chuyển nhượng dự án tòa nhà CT2-105 với giá trị 50 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 18/9/2015 2 công ty này tiếp tục kí biên bản bàn giao hiện trạng mặt bằng của dự án, trong đó có nêu số tiền đặt cọc là 5 tỷ đồng (Hợp đồng đặt cọc số 02/2015/HĐĐC ngày 24/9/2015). Và tới ngày 14/10/2015 đã chính thức kí hợp đồng chuyển nhượng số 05/2015/HĐCN-SĐTL-HPTĐ về chuyển nhượng tòa nhà CT2-105
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, ngày 29/3/2017 UBND TP.Hà Nội mới ký quyết định số 1983 chấp thuận cho phép Hải Phát Thủ Đô nhận chuyển nhượng tòa CT2-105 Usilk City từ Sông Đà Thăng Long. Trong đó, có nêu rõ: Hải Phát Thủ Đô và Sông Đà Thăng Long cần phối hợp giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng và các bên liên quan theo quy định của pháp luật trước kí hợp đồng chuyển nhượng.
Có hay không việc Hải Phát Thủ Đô chèn ép khách hàng ?
"Tối hậu thư" mà Hải Phát Thủ Đô gửi cho khách hàng trong đó có ghi rõ: số tiền lãi chậm nộp là gần 1 tỷ đồng, nếu quá thời hạn 30 ngày mà không nộp sẽ bị chấm dứt hợp đồng
Theo quy định tại điều 48 Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 thì, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc sau: Không làm thay đổi mục tiêu của dự án; Không làm thay đổi nội dung của dự án; Bảo đảm quyền lợi của khách hàng và các bên có liên quan.
Vậy nhưng, trước khi tính pháp lý của thương vụ chuyển nhượng tòa CT2-105 được xác lập bởi cơ quan có thẩm quyền, cả Sông Đà Thăng Long lẫn Hải Phát Thủ Đô đã "cầm đèn chạy trước ô tô" từ gần 2 năm trước trong khi, những quyền lợi thích đáng của khách hàng vẫn đang là vấn đề cần bàn tới.
Theo đó, ngày 20/6/2015 thì Sông Đà Thăng Long, mời tập thể khách hàng đến họp hội nghị khách hàng để bàn phương án bồi thường, thiệt hại cho những người đã kí hợp đồng mua bán căn hộ. Trong buổi họp đó, toàn bộ khách hàng đã thống nhất bầu ra ban diện 10 người có vai trò đàm phán với CĐT về việc đàm phán phương án và tính các mức bồi thường/bù đắp thiệt hại cho khách hàng.
Tiếp đó, ngày 24/10/2016 Sông Đà Thăng Long lại tổ chức buổi họp khách hàng để lấy ý kiến của khách hàng và thông báo về việc chuyển nhượng dự án. Tại buổi họp, nhiều khách hàng có nêu ý kiến về việc thanh lý hợp đồng theo điều 9 của HĐMB hoặc nếu tiếp tục hợp đồng thì tính giá trung bình 20 triệu/m2,vv.... Kết thúc buổi họp chỉ có 3/10 thành viên trong ban đại diện kí vào biên bản buổi họp. Do vậy, nhiều khách hàng đã phản đối biên bản này bởi 3 người này không thể đại diện cho ban đại diện 10 người mà khách hàng đã thống nhất bầu ra ngày 20/6/2015.
Không những vậy, đơn vị này còn kí hợp đồng ủy quyền với văn phòng luật sư để mời chúng tôi lên làm việc rất nhiều lần. Đáng nói hơn là việc phía Hải Phát Thủ đô đã nhiều lần có văn bản “dọa” chấm dứt hợp đồng và tính tiền lãi phạt nộp tiền chậm, gọi điện đề nghị khách hàng ký phụ lục HĐ. Ở đây, nhiều khách hàng cho rằng, Hải Phát Thủ Đô chưa đảm bảo điều kiện để được nhận chuyển nhượng dự án, do vậy không thể là CĐT, không thể là đại diện HĐMB căn hộ tại dự án được !?
Trong nỗi bức xúc, một khách hàng nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận các điều khoản trong bản phụ lục hợp đồng sửa đổi vì giá giờ bán ra thị trường chỉ bằng 60% giá căn hộ ngày trước, nhưng Hải Phát Thủ Đô vẫn yêu cầu khách hàng kí với giá cũ. Như thế là vô lý...”
"Mặc dù, đã chúng tôi nhiều lần gửi đơn kiến nghị làm việc trực tiếp với hai đơn vị đầu tư, thế nhưng câu trả lời nhận được vẫn là sự im lặng trong vô vọng. Mới đây, tôi có nhận được một "tối hậu thư" với số tiền lãi chậm nộp là gần 1 tỷ đồng, trong khi tới thời điểm này nhà tôi chưa được nhận, trong trường hợp đã nhận nhà và bàn giao nhà mà tôi chưa nộp tiền thì mới là vi phạm hợp đồng đã kí chứ. Ngoài ra, hiện nay giá thị trường bình quân ở khu vực này là 19 triệu/m2, trong khi Hải Phát Thủ Đô vẫn bắt chúng tôi phải theo giá cách đây 10 năm là 29,5 triệu đồng/m2, tiếp đó nữa còn tính bằng giá USD với tỷ giá 21,450 đồng/USD. Điều này là vô lý và gây thiệt thòi cho tôi cũng như khách hàng khác,..," chị T.A.T cho hay.
Trong câu chuyện này, vì sao chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long, Hải Phát Thủ Đô không gặp mặt để đàm phán với khách hàng? Vì sao Hải Phát Thủ Đô lại ngang nhiên gửi tối hậu thư đề nghị khách hàng nộp phạt tiền lãi và buộc kí vào phụ lục hợp đồng?.
Liệu việc Hải Phát Thủ Đô và Sông Đà Thăng Long chưa thể đảm bảo các quyền lợi của khách hàng thì việc chuyển nhượng dự án có đảm bảo theo quy định?
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin!
Hải Minh