Theo đó, điểm giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý bằng lái, gồm 12 điểm.
Người lái xe có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm bằng lái theo quy định của Chính phủ.
Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
Bằng lái xe được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp bằng lái bị trừ hết điểm, người được cấp bằng lái phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Bằng lái xe mới cấp đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của bằng lái trước khi cấp đổi, cấp lại, nâng hạng.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm bằng lái. Theo dự luật, Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Bộ Công an cũng nêu nhiều lý do đề xuất bổ sung quy định này, trong đó việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp bằng lái đang bị buông lỏng.
Cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, hữu hiệu, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người lái xe.
Mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 trường hợp bằng lái, khi bị tước bằng tài xế không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân.
Việc tước bằng lái đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ không đến lấy, tồn đọng nhiều bằng lái tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí... nhưng vẫn chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.
Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... đều có quy định trừ điểm bằng lái xe với người lái xe.
Đức Anh