Sáng 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Sau đó Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 10 Chương, 168 Điều, tăng 18 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội theo Tờ trình số 306/TTr-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ. Đa số các ý kiến đều nhất trí với tên gọi cũ là Luật Xây dựng (sửa đổi) vì tên gọi này đã quen thuộc và đi vào trong thực tế cuộc sống và bản chất Luật chủ yếu là điều chỉnh quá trình đầu tư xây dựng.
Đã có 19 đại biểu đăng ký và phát biểu. Đa số các ý kiến tán thành với báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số đại biểu thống nhất có quy định phạm vi hoạt động xây dựng là phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này chỉ là hoạt động xây dựng chứ không phải là hoạt động đầu tư xây dựng.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát lại các quy định cụ thể để tránh mâu thuẫn với các luật có liên quan như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xây dựng, các đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định đảm bảo cho cuộc sống của nhân dân. Và việc các quy định áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng cần phải bổ sung làm rõ.
Về quy hoạch xây dựng (Chương 2), nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến khác là không đưa quy hoạch xây dựng vào trong luật này mà phải điều chỉnh trong Luật Quy hoạch chung cũng như đã được quy định trong các luật chuyên ngành về vấn đề quy hoạch. Nếu đưa trong luật này cần rà soát lại để đảm bảo các điều kiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết tránh sự tùy tiện ở địa phương và tránh gây phiền hà cho nhân dân.
Về dự án đầu tư xây dựng có các quy định liên quan, đa số đại biểu cho rằng đã đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Những quy định liên quan tới dự án đầu tư xây dựng và tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng cần quy định chặt chẽ đối với các trường hợp quy định dự án đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án xây dựng và các trường hợp điều chỉnh bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ và rà soát lại các quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư xây dựng; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ đầu tư, của cơ quan tổ chức thẩm định đầu tư xây dựng của nhà thầu, nhà tư vấn…
Các đại biểu cũng đề nghị xem lại việc phân loại các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị trong luật này cũng đưa các quy định các công trình được quy định đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được.
Về giấy phép xây dựng, đây là điều khoản có nhiều đại biểu góp ý nhất. Cơ bản các đại biểu thống nhất với các quy định hiện nay trong dự án luật. Tuy nhiên cũng có đại biểu đề nghị cần phải tiếp tục rà soát thêm tất cả các loại giấy phép xây dựng và các loại giấy phép.
Trường hợp nào cấp phép xây dựng thì có bao nhiêu loại giấy phép, trường hợp nào cấp giấy phép tạm và trường hợp nào được miễn; thời gian thủ tục, hồ sơ cấp phép xây dựng, tính khả thi của việc cấp phép xây dựng cần chỉnh lý cho phù hợp thực tế; rà soát các quy định, điều kiện cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ để đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính và đảm bảo quyền lợi của người dân.
Quy định về giấy phép xây dựng phải bảo đảm với quy định về nguyên tắc hoạt động xây dựng đã được thể hiện trong luật này và quy trình cấp, cấp lại, điều chỉnh gia hạn giấy phép xây dựng phải quy định cho chặt chẽ, và bổ sung quy định liên quan tới hồ sơ xây dựng.
Về hợp đồng xây dựng, các đại biểu đề nghị quy định về mức thưởng, phạt, bồi thường đối với việc thực hiện hợp đồng xây dựng cho phù hợp và chặt chẽ hơn đối với các quy định về điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức và cá nhân. Rà soát quy trình, các quy định xung quanh việc thực hiện các hợp đồng xây dựng.
Việc lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu, đa số đại biểu nhất trí phải quản lý nhà thầu nước ngoài và cần thiết nhưng cần quy định thật rõ trong luật này và rà soát lại để tránh chồng chéo đối với các quy định của Luật Đấu thầu.
Về quản lý vật liệu xây dựng và công tác quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, đa số đại biểu nhất trí cần có những điều khoản quy định về vấn đề này vì vật liệu xây dựng có vai trò rất quan trọng trong vấn đề chất lượng, tiến độ, chi phí, thẩm mỹ, kiến trúc và an toàn trong khai thác và xây dựng công trình. Nhưng đề nghị rà soát lại các quy định này và phải đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất.
Các đại biểu quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, vai trò của mặt trận tổ quốc và cộng đồng cũng như cơ chế giám sát.
Dự kiến, Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6 tới.
PV