Theo ông Đặng Xuân Phong, sau hai năm bị hạn chế xuất nhập khẩu và đi lại giao lưu nhân dân, việc cửa khẩu thông thương hoàn toàn sẽ là điều kiện để các vùng chuối, dứa của tỉnh cất cánh. Khách du lịch Trung Quốc qua lại cũng mở ra cơ hội phát triển cho các nghành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ casino có thể hồi sinh, tăng thu cho ngân sách.

Đại diện Ban quản lý các khu kinh tế tỉnh Lào Cai - đơn vị đang quản lý hoạt động tại cửa khẩu biên giới ở Lào Cai cũng thông tin, tất cả hiện chờ phía Hà Khẩu thông báo kế hoạch mở thế nào, kiểm soát dịch Covid-19 ra sao, người và phương tiện qua lại cửa khẩu có tự do như trước khi có dịch hay không.

Thương thảo với Trung Quốc về việc mở hoàn toàn cửa khẩu tại Lào Cai
Thương thảo với Trung Quốc về việc mở hoàn toàn cửa khẩu tại Lào Cai.

Trước đó, tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của tỉnh Lào Cai, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai - cho biết, dự kiến ngày 01/01/2023, cửa khẩu biên giới sẽ thông thương hoàn toàn.

"Đây là cơ hội rất lớn, UBND tỉnh cần chỉ đạo lập kế hoạch, kịch bản để triển khai nếu không sẽ mất quyền chủ động", Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nói.

Tại thành phố Lào Cai, có 03 cửa khẩu phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu và đi lại của nhân dân hai nước gồm cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim thành, cửa khẩu quốc tế Lào Cai và ga đường sắt cửa khẩu Lào Cai. Trên địa bàn tỉnh còn có cửa khẩu Bản Vược (Bát Xát) và cửa khẩu Mường Khương.

Trong các trụ cột kinh tế của Lào Cai, kinh tế cửa khẩu đóng vai trò khá lớn. Năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của Lào Cai đạt 5 tỷ USD.

Việc mở cửa khẩu biên giới sẽ giúp thông thương hàng hóa, đi lại giao lưu của nhân dân hai nước bình thường, không còn bị hạn chế kiểm soát vì dịch Covid-19. Đây là cơ hội rất lớn để kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển, là điều kiện thuận lợi để hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch các chỉ tiêu về kinh tế.

Thiên Trường (T/h)