Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam tham dự hội nghị.

Lãnh đạo Cục du lịch và đại diện lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp
Lãnh đạo Cục du lịch và đại diện lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp (Ảnh: Thanh Huyền)

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh BR-VT nhấn mạnh: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn  305 km chiều dài bờ biển, trong đó có trên 100 km với nhiều bãi cát đẹp, bên cạnh đó tỉnh cũng vừa có núi, sông, rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn Ramsa của thế giới, đặc biệt suối nước nóng Bình Châu với nhiệt độ cao nhất lên đến 80 độ thích hợp cho nhu cầu chữa bệnh, nghỉ dưỡng của du khách cũng là lợi thế địa phương. Ngoài ra Côn Đảo với 16 hòn đảo lớn, nhỏ, nằm sát đường hàng hải quốc tế tạo nên tiềm năng du lịch biển khá phong phú; hệ sinh thái biển và ven biển độc đáo, đa dạng… Với những lợi thế, tiềm năng trên, BR-VT là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển thành trung tâm du lịch lớn vùng Đông Nam Bộ, cũng như của cả nước và quốc tế. Vì vậy, ông Trịnh Hàng cho biết, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Hàng năm, ngành du lịch tỉnh luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến BR-VT tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm.

Hiện nay, BR-VT đang tập trung phát triển du lịch theo 5 cụm phát triển du lịch: Cụm du lịch thành phố Vũng Tàu và vùng phụ cận (Long Sơn, Gò Găng); Cụm du lịch Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận; Cụm du lịch thành phố Bà Rịa - Núi Dinh và vùng phụ cận (Phú Mỹ, Châu Đức); Cụm du lịch Hồ Tràm - Bình Châu; Cụm du lịch huyện Côn Đảo.

Đại biểu đóng góp ý kiến phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
Đại biểu đóng góp ý kiến phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: Thanh Huyền)
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)

Tại hội nghị các doanh nghiêp lữ hành như Vietravel, Saigontourist cho rằng vùng Đông Nam Bộ có những địa danh giúp doanh nghiệp khai thác hình thành nhiều tuor, tuyến du lịch hấp dẫn du khách mang lại hiệu quả tích cực, lượng khách quốc thế ổn định theo mùa, sức chi tiêu cao.  Các tour liên tuyến, vùng điển hình của Vietravel như : NON NƯỚC HỮU TÌNH - TP.HCM 'Sắc Màu Về Đêm' - Tây Ninh 'Chinh Phục Nóc Nhà Nam Bộ' - Vũng Tàu 'Vũ Điệu Sóng Biển' - Tiền Giang - Bến Tre 'Khám Phá Sông Nước Miệt Vườn'; Tour BÌNH YÊN GIỮA NÚI RỪNG NAM BỘ - Bình Dương - Di Tích Lịch Sử Rừng Kiến An - Hồ Dầu Tiếng - Chùa Thái Sơn Núi Cậu- Tây Ninh 'Chinh Phục Nóc Nhà Nam Bộ'; KHÁM PHÁ CỦ CHI - Màu Xanh Trên Miền ‘Đất Thép’ - Tây Ninh - Vùng Đất Địa Linh - Chinh Phục Đỉnh Thiêng. Các dòng sản phẩm liên tuyến và đơn tuyến của Saigontourist khai thác sản phẩm sinh thái, trải nghiệm, lịch sử, văn hóa ẩm thực, nghỉ dưỡng, sức khỏe, lễ hội, thể thao… mang lại doanh thu trên 80 tỷ đồng; phục vụ hơn 25.000 lượt khách trong nước và quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương cũng cho rằng: Tiềm năng phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ còn rất lớn, các địa phương cần đi trước về quy hoạch, đúng và trúng, mang lợi ích mới thu hút được các nhà đầu tư. Ngoài xu hướng tất yếu phát triển du lịch xanh, sau covid, du lịch mang hơi thở mới, chú trọng du lịch lành mạnh, an toàn, sức khỏe.  Du lịch trải nghiệm được lựa chọn nhiều. Vì vậy theo các đại biểu, ngành du lịch cần chú trọng khai thác chiều sâu, sáng tạo, khai thác giá trị đặc thù, khác biệt về văn hóa “chính lối sống của người dân địa phương, văn hóa địa phương tạo nên sự khác biệt”.

Rừng và sông theo các đại biểu cũng là  “nguồn lực” mà 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ đều có, cần nghiên cứu, khai thác, thúc đẩy hơn nữa, tạo ra các sản phẩm du lịch liên kết độc đáo về du lịch đường sông, du lịch dưới tán rừng, dược liệu rừng...; hình thành trung tâm sức khỏe nghỉ dưỡng, đón khách nghỉ đông của nước ngoài, chăm sóc sức khỏe hậu covid… Hay như lĩnh vực Đông Nam dược có thể phối hợp với du lịch phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Liên kết vốn, huy động dòng tiền trong hội viên, làm sao có sản phẩm chiến lược,  độc, lạ;  hình thành trung tâm mua sắm đẳng cấp…

Có kế hoạch chiến lược marketing chung cả vùng (chính quyền làm gì, người dân làm gì và doanh nghiệp làm gì);  Tổng lực maketting đưa sản phẩm ra thế giới thu hút khách quốc tế… Bên cạnh đó, một trong vấn đề phát triển du lịch mang tính ổn định, chiến lược lâu dài chính là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Đại biểu tham quan gian hàng OCOP trong khuôn khổ hội nghị
Đại biểu tham quan gian hàng OCOP trong khuôn khổ hội nghị (Ảnh: Thanh Huyền)
Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam
Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam (Ảnh: Thanh Huyền)

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc Gia Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch, 6 tỉnh thành phố vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Chương trình đã được UBND các tỉnh ký biên bản thỏa thuận, hợp tác phát triển du lịch từ ngày 28/6/2020. Với kết quả đạt được, các địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục hợp tác phát triển du lịch về các phương diện: Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp quản lý du lịch; phát triển chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng liên kết; phối hợp đẩy mạnh xúc tiến du lịch chung; phục hồi, phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

                                Thanh Huyền