Mở cửa từng bước, an toàn

Sau những đợt dịch bùng phát, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, hoành hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng chung tình trạng khủng hoảng của du lịch toàn cầu, nền kinh tế xanh Việt Nam đã thực sự chạm “đỉnh đáy”.

Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử du lịch Việt với các chỉ số tăng trưởng sụt giảm lớn so cùng kỳ các năm trước. Số lượng khách du lịch nội địa 9 tháng năm 2021, ước đạt 31,5 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136 tỷ đồng (giảm 41,27% so cùng kỳ  2020). Công suất phòng trung bình cả nước 9 tháng qua, chỉ đạt dưới 10%.

Tuy nhiên, đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc với số ca mắc mới và tử vong giảm sâu. Hiện tại, các bộ, ngành, địa phương đều xác định việc đảm bảo an toàn trong điều kiện sống chung với dịch bệnh - sẽ giúp tái khởi động mọi hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch.

Du khách trải nghiệm hồ Hoàn Kiếm (Ảnh minh họa)
Du khách trải nghiệm hồ Hoàn Kiếm (Ảnh minh họa)

“An toàn đến đâu mở cửa đến đó. Mở cửa phải an toàn!” - Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh về việc tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Theo lãnh đạo ngành du lịch, lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn, từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa rồi tới du lịch quốc tế. Đặc biệt, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu.

Việc Phú Quốc được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 10 năm nay, đã thổi bùng lên nguồn hy vọng hồi sinh mãnh liệt của ngành du lịch.

Phó giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND và đang trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong tháng 10, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát và thẩm định các cơ sở dịch vụ ở Phú Quốc để chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế trong tháng 11.

Ngay sau đó, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh đề xuất, sau khi Phú Quốc thí điểm thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vaccine, kỳ vọng vào cuối năm 2021.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, “Vaccine là điều kiện tiên quyết”, “thẻ xanh Covid” là “chìa khóa” mở “nút thắt” lớn để phục hồi và tăng trưởng kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Tất cả các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và sớm có bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về chứng nhận vaccine.

Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan quản lý du lịch cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Có những tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nội, TP. HCM..., trong khi nhiều tỉnh, thành phố độ bao phủ vaccine còn thấp.

Đại diện các sở du lịch cũng đề xuất, cần xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vaccine, có chứng nhận tiêm chủng) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vaccine) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất, gây ách tắc giao thông, du lịch giữa các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, hộ chiếu vaccine cũng cần có quy định cụ thể để chuẩn bị lộ trình khách du lịch quốc tế.

Trước những tín hiệu lạc quan để phát triển ngành kinh tế xanh, các địa phương có thế mạnh về du lịch như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa… đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ thí điểm, bảo đảm quy định phòng chống dịch.

Để đảm bảo du lịch an toàn, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, với việc khởi động từng bước ngành du lịch, chỉ những khu vực nghỉ dưỡng nào đảm bảo quy định phòng chống dịch như khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, khép kín, tạo sự tách biệt rõ ràng, các khu vui chơi giải trí tương đối biệt lập, đồng bộ hạ tầng… mới được đồng ý đón khách du lịch quốc tế. Trước mắt, sẽ không có nhiều cơ sở du lịch được mở cửa đón khách.

Kiến tạo bước đệm “vùng xanh”

Nhiều quốc gia đã mở cửa lại ngành du lịch song song với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19. Một trong những hình mẫu, Việt Nam có thể học tập là Thái Lan. Sau 3 tháng áp dụng mô hình Phuket Sandbox (chương trình du lịch, bắt đầu từ ngày 1/7/2021 nhằm mở cửa trở lại các tỉnh được chọn cho khách du lịch nước ngoài đã được tiêm vắc xin Covid-19) để đón khách nước ngoài trở lại, du lịch Thái Lan bước đầu ghi nhận tín hiệu phục hồi và sẽ tiếp tục mở cửa.

Theo đó, Phuket Sandbox đã tạo ra nguồn vốn lưu động, tạo lợi nhuận khoảng 1,925 tỷ baht (khoảng 57 triệu USD) cho các ngành nghề liên quan trực tiếp đến du lịch và các chuỗi cung ứng hỗ trợ du lịch (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng...). Chi tiêu từ khách du lịch đạt 829 triệu baht, chủ yếu cho các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, sản phẩm, quà lưu niệm và dịch vụ y tế. Doanh thu thuế thu được từ các hoạt động kinh tế liên quan là 87 triệu baht.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, với kinh nghiệm của Thái Lan và một số quốc gia, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa hồi sinh ngành du lịch một cách an toàn (cần phải kiến tạo bước đệm “vùng xanh”).

Theo lãnh đạo ngành du lịch, để làm được điều đó: Phải có giải pháp tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở điểm đón khách; xây dựng một quy trình cụ thể để phục vụ khách an toàn từ lúc nhập cảnh đến lúc xuất cảnh; ứng dụng CNTT trong việc xây dựng phương án xử lý tình huống, đảm bảo cơ sở vật chất xử lý tình huống phát sinh trong quá trình triển khai; đảm bảo các DN thực hiện truyền thông hướng đến an toàn, bền vững.

Cũng theo ông Khánh: “Chúng tôi đang kêu gọi các DN và đơn vị cung ứng, tập trung tạo ra những sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới để thu hút khách du lịch bằng việc đa dạng các tiện ích, trải nghiệm cho du khách, đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn… Bên cạnh đó, phải liên kết được các điểm đến xanh giữa các tỉnh, thành phố nhằm tạo được sản phẩm du lịch vừa hấp dẫn, vừa an toàn”.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, các địa phương cần khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh,” tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. Đây chính là bước đệm chuẩn bị cho những bước đi dài hơi hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh cho phép.

Lãnh đạo ngành du lịch khẳng định, việc khởi động từng bước du lịch tại từng khu vực là bước đi đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, bên cạnh sự quyết liệt của ngành du lịch, thì sự đồng hành của các bộ, ngành, thống nhất giữa các cơ quan quản lý, các địa phương và DN lữ hành là vô cùng quan trọng, để thúc đẩy du lịch an toàn.

Trúc Mai