Tình trạng khan hiếm nguồn cung máy bay đang khiến các hàng hàng không phải trả giá cao hơn để thuê máy bay. Theo ước tính của Công ty tư vấn hàng không IBA Group, giá thuê một chiếc Boeing 737 Max mới đã tăng hơn 20% trong giai đoạn từ 04/2020 đến tháng Bảy năm nay, lên 316.000 USD mỗi tháng.
Giá thuê dòng máy bay đối thủ Airbus A320neo đã leo lên mức 324.000 USD mỗi tháng, tăng hơn 14% so với tháng 04/2020 và là mức giá thuê cao nhất kể từ trước đại dịch Covid-19. Phiên bản chở khách lớn hơn, Airbus A321neo, hiện có giá thuê 375.000 USD mỗi tháng.
Các công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới, như: Air Lease, Avolon và AerCap, đã mua lại mảng kinh doanh cho thuê máy bay của Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ vào năm ngoái và giờ đây, họ đang gặt hái thành quả.
Theo hãng ty tư vấn hàng không Cirium, hơn 51% trong số gần 23.000 máy bay chở khách thân hẹp và thân rộng trên thế giới được sở hữu hoặc quản lý bởi các công ty cho thuê máy bay. Trong khi nhiều hãng bay sở hữu máy bay của họ, một số hãng chọn thuê máy bay hoặc kết hợp cả hai.
Có nhiều lý do dẫn đến chi phí thuê cao hơn bao gồm mức xếp hạng tín dụng yếu các hãng hàng không, nhu cầu bảo tồn tiền mặt thay vì mua máy bay mới, với giá của mỗi chiếc có thể lên đến hơn 100 triệu USD.
Chi phí thuê máy bay tăng giữa lúc các hãy hàng không đối mặt với lạm phát cao, dẫn đến giá vé máy bay tăng. Giá thuê máy bay đang trở về gần mức của năm 2019 hoặc trong một số trường hợp, đối với những dòng máy bay có nhu cầu lớn, giá cho thuê đã vượt so với năm 2019. Dự kiến, giá cho thuê máy trong thời gian tới còn tăng tiếp.
Giá dầu thô tăng vọt trong năm nay, khiến các dòng máy bay mới, tiết kiệm nhiên liệu hơn có nhu cầu thuê cao hơn so với các máy bay cũ hơn. Cùng lúc đó, lãi suất cao hơn cũng có thể làm tăng giá thuê.
Mike Yeomans, Giám đốc bộ phận định giá và tư vấn tại IBA Group, nói: “Bạn đang chứng kiến lãi suất tăng và chi phí vốn cao hơn. Điều đó sẽ đẩy giá thuê máy bay ên mức cao hơn trong suốt thời gian còn lại của năm”
Lãnh đạo các công ty cho thuê máy bay tiết lộ với CNBC rằng, nhiều khách hàng của họ đang gia hạn hợp đồng thuê những chiếc máy bay mới, vốn rất khó tìm.
Steven Udvar-Hazy, Chủ tịch điều hành của Công ty cho thuê máy bay Air Lease, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) cho biết: Tỷ lệ gia hạn hợp đồng thuê của khách hàng đạt 90%, mức cao chưa từng thấy trước đây vì tỷ lệ này thường chỉ dao động trong khoảng 65% -75%.
Udvar-Hazy nói: “Chúng tôi đang ghi nhận nhiều khách hàng gia hạn hợp đồng những thuê máy bay mà một năm trước, chúng tôi đã dự kiến rằng chúng tôi sẽ phải tiếp thị lại. Điều đó có nghĩa là công ty không phải lo lắng về chi phí chuyển đổi khách thuê đồng thời điều này mang lại dòng thu nhập ổn định”.
Xu hướng giá thuê máy bay tăng là nhờ đà phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu đi lại hàng không giữa lúc Boeing và Airbus vẫn chưa bắt kịp nhu cầu sau khi hoạt động sản xuất máy bay tạm lắng trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19. Các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng khiến hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới không thể tăng cường sản xuất nhiều như họ muốn.
Trong tháng Sáu, lưu lượng hành khách toàn cầu tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái trước đó, nhưng vẫn giảm khoảng 29% so với trước đại dịch, theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA). Hazy cho biết lãi suất phải tăng cao hơn nữa mới có thể làm giảm đáng kể nhu cầu đi lại hàng không.
Theo Andy Cronin, Giám đốc điều hành Công ty cho thuê máy bay Avolon, có trụ sở tại Dublin (Ireland), các hãng hàng không đang nhìn thấy cơ hội có thể triển khai nhiều máy bay hơn. Ông nói: “Chúng tôi chắc chắn đang thấy sự thiếu hụt máy bay và nhu cầu tăng nhanh hơn và cao hơn những gì chúng tôi mong đợi ở giai đoạn này”.
Cronin cho biết giá thuê dòng máy bay Boeing Max và Airbus A320neo đã tăng 10-15% chỉ riêng trong năm nay. Các vấn đề về chuỗi cung ứng và hạn chế về lao động đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay trong nỗ lực gia tăng sản lượng. Một phần của vấn đề bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, làm hạn chế nguồn cung titan từ nước này kể từ sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng Hai. Với đặc tính nhẹ và độ bền cao, titan hợp kim là một trong những vật liệu cấu trúc quan trọng của động cơ, thân và khung máy bay.
Hồi tháng trước, Greg Hayes, Giám đốc điều hành Raytheon, công ty mẹ của hãng sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney, thừa nhận do thiếu vật liệu titan nên công ty ông không đáp ứng kịp nhu cầu động cơ máy bay của khách hàng.
Theo CNBC/thesaigontimes.vn