Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/03, giúp “mảnh đất hình chữ S” được đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm. Theo dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights, từ đầu năm đến cuối tháng Ba vừa qua, lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam (đối với hàng không và cơ sở lưu trú) đang tăng rất nhanh, được xếp vào nhóm tăng cao nhất trên thế giới, đạt trên 75%.

Theo Tổng cục Du lịch, 03 tháng đầu năm, Việt Nam phục vụ hơn 26 triệu lượt khách nội địa, hơn 22.000 lượt khách quốc tế. Riêng tháng Ba, ngành công nghiệp không khói phục vụ 8,5 triệu lượt khách nội địa, 15.000 lượt du khách quốc tế.

Tại TP. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội ngày 03/05, trong 04 ngày nghỉ lễ, Hà Nội ước đón hơn 550.000 lượt khách, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 2.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỷ đồng.

Để thu hút khách, dịp lễ năm nay thành phố Hà Nội chức Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022 thu hút hơn 65.000 lượt khách.Các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện đa dạng, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Thị xã Sơn Tây tổ chức khai trương tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; điểm du lịch Làng Bát Tràng ra mắt tour du lịch “Dấu chân Làng cổ Bát Tràng” và nhiều chương trình, sự kiện hưởng ứng “Tuần lễ du lịch Bát Tràng”; Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với chương trình “Chợ phiên vùng cao phía Bắc”…

Du lịch Hà Nội có nhiều khởi sắc.
Du lịch Hà Nội có nhiều khởi sắc.

Các địa phương cũng đồng loạt tổ chức, khai trương nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật, hoạt động văn hóa du lịch đúng dịp nghỉ lễ như: TP. Hải Phòng tổ chức liên hoan du lịch "Đồ Sơn sắc màu của biển 2022"; tỉnh Quảng Ninh giới thiệu lễ hội "Móng Cái chào hè 2022"; tỉnh Cao Bằng khai mạc chương trình du lịch về nguồn năm 2022; tỉnh Lào Cai tổ chức chuỗi sự kiện "Lễ hội mùa hè Sa Pa" với 18 chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc kéo dài suốt 3 tháng hè, trong đó có Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2022 với chủ đề "Fansipan - Xứ sở hoa hồng trong mây" và sự kiện "Sa Pa - Xứ sở hoa hồng"…

Đây được đánh giá là thời điểm "vàng" để tạo cú hích cho phục hồi và phát triển du lịch, đặc biệt là đón đầu mùa du lịch quốc tế.

Du khách đến Đà Nẵng tăng hơn 3,4 lần

Theo thống kê của Sở Du lịch, dịp nghỉ lễ 30/04 và 01/05 năm nay, Nghệ An dự ước đón 712.000 lượt khách, trong đó khách có lưu trú: 285.000 lượt; doanh thu từ các dịch vụ du lịch: 855 tỷ đồng. Các khách sạn từ 3-5 sao ở thị xã Cửa Lò và một số điểm du lịch ở Diễn Châu, Con Cuông đạt công suất 90-100%; nhiều khu, điểm du lịch trong tỉnh như hoạt động vượt công suất. Các điểm có lượng khách du lịch đông là: Thị xã Cửa Lò (khoảng 80.000 lượt); Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (hơn 48.500 lượt); huyện Con Cuông (hơn 25.000 lượt); huyện Nghĩa Đàn (21.000 lượt); đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên (hơn 16.000 lượt); Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương (khoảng 7.000 lượt);  Di tích lịch sử Quốc gia đền Nguyễn Xí, huyện Nghi Lộc (khoảng 5.000 lượt)…

Hơn 254.000 lượt khách đến Đà Nẵng dịp lễ 30/4-1/5
Hơn 254.000 lượt khách đến Đà Nẵng dịp lễ 30/04-01/05.

Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, dịp lễ 30/04 - 01/05 năm nay, khách du lịch đến Đà Nẵng tăng cao với tổng lượng khách trong 04 ngày nghỉ lễ ước đạt 254.000 lượt khách, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa đạt khoảng 246.600 lượt khách, tăng hơn 3,3 lần; khách quốc tế đạt khoảng 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần (do năm ngoái chưa mở lại các đường bay quốc tế).

Một số khu, điểm có lượng khách cao trong cả kỳ nghỉ lễ như: Sun World Bà Nà Hills đón khoảng 50.000 khách, công viên suối khoáng nóng núi Thần Tài đón khoảng 25.000 khách, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khoảng 13.000 khách... Công suất phòng khối 4-5 sao ước đạt trên 70%, trong đó khách sạn ven biển đạt trên 90%.

Lượng khách đến tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 120.000 lượt, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Du khách chèo thuyền ngắm phố cổ Hội An. Ảnh: Sơn Ca
Lượng khách đến tỉnh Quảng Nam đạt khoảng 120.000 lượt, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2021. Trong ảnh: Du khách chèo thuyền ngắm phố cổ Hội An. Ảnh Sơn Ca.

Tại khu vực phía Nam

Ở khu vực ĐBSCL, tỉnh Cà Mau nằm trong số những địa phương đón lượng khách lớn, với tổng số 83.240 lượt khách, tăng 67%; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 77,35 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long ước đón khoảng trên 50.000 lượt khách, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, doanh thu ước đạt 25 tỷ đồng, tăng 60%. Tại TP. Cần Thơ, tổng số khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đạt khoảng 395.000 lượt, tăng 35%; doanh thu du lịch ước đạt 181 tỷ đồng, tăng 40%.

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong 04 ngày nghỉ lễ, tổng lượt khách đến tham quan du lịch là hơn 296.700 lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có trên 5.000 lượt khách quốc tế, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Riêng TP. Phú Quốc đón 128.739 lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 60%; các địa phương như huyện đảo Kiên Hải và đảo Phú Quốc đạt trên 80%, phân khúc khách sạn từ 3-5 sao tại Phú Quốc đạt trên 95%. 

Tổng thu từ du lịch của tỉnh Kiên Giang trong đợt nghỉ lễ này cũng đạt trên 175 tỷ đồng, tăng 42%. Theo ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, kết quả mang lại ngoài mong đợi, nhờ số lượng khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh ước đạt 296.793 lượt, tăng 67,7%. Trong đó, TP Phú Quốc đón 128.739 lượt (5.000 lượt khách quốc tế), tăng 40,8%.

Trong khi đó, qua thống kê ban đầu của tỉnh Khánh Hòa, tổng lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh này đạt 275.500 lượt, tăng 210%. Trong đó, lượng khách lưu trú là 125.500 khách; khách đến tham quan các điểm du lịch là 150.000 khách. Tổng doanh thu 529 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ năm ngoái.

Minh An (T/h)