(TH&CL) Luật DN 2005 đã ghi nhận nhiều bất cập khi các quy định còn chưa rõ ràng, chồng chéo và không đáp ứng kịp thời với sự biến đổi của nền kinh tế, sự chuyển đổi  của các cơ chế quản lý nhà nước và nhu cầu phát triển nhanh của cộng đồng DN.


Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ xem xét đề xuất sửa đổi Luật DN trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội.

Tạo cơ chế thông thoáng

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, việc sửa đổi, bổ sung Luật DN là một tất yếu nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực và tạo môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn cho DN.

Luật DN sửa đổi lần này nhằm vào các mục tiêu quan trọng: Tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả cộng đồng DN không phân biệt thành phần, hình thức sở hữu nhà nước hay tư nhân. Bên cạnh đó, luật cũng sẽ tạo ra một bước đệm, động lực mới để các DN sẵn sàng vươn ra thế giới khi một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại… được ký kết trong thời gian tới.

Điểm đặc biệt là, Luật DN sửa đổi (dự thảo lần 2) dành hẳn chương 2 về nội dung đăng ký thành lập DN. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, các quy định về thành lập DN của luật DN sửa đổi phù hợp với thông lệ thế giới khi không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy đăng ký kinh doanh. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho DN vì thị trường thì thay đổi nhanh chóng, DN không thể liên tục xin điều chỉnh. Các điểm mở khác của luật DN sửa đổi rất đáng ghi nhận như cho phép DN được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; NĐT nước ngoài vào VN phải thành lập công ty trước theo luật hiện hành, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư khi chưa thành lập DN.

Dự thảo đã tách bạch giữa thành lập DN và các giấy phép kinh doanh theo hướng bỏ hẳn tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm; áp dụng các thủ tục thành lập DN, mua cổ phần, góp vốn giống nhau giữa DN trong nước và NĐT nước ngoài; đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ thủ tục thành lập DN. “Nếu được thông qua, các quy định này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các NĐT khi thành lập DN, giảm phiền hà trong thành lập DN cho các NĐT nước ngoài. Đặc biệt là tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư”, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhận định.

Điểm rất đáng chú ý của dự thảo là một chương riêng về DNNN được xây dựng, nhằm khắc phục sự trì trệ, yếu kém của các đầu tàu kinh tế nhà nước…

Hậu kiểm không thể đảm đương?

Cho rằng, sửa đổi Luật DN lần này là một bước tiến tốt, nhưng ông Lương Văn Lý, chuyên gia tư vấn đầu tư tỏ ra lo ngại: “Cải cách theo hướng đó thì kéo đến việc gần như là cơ cấu tổ chức lại bộ máy. Đây là công việc rất khó khăn chứ không phải ra luật là xong”.

Đơn cử như quy định tất cả những gì luật pháp không cấm thì DN sẽ được làm. Nói vậy có nghĩa DN chỉ cần đến thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ làm cái đó, nếu điều đó luật pháp không cấm thì DN cứ tự do thực hiện. Nếu được như vậy thì đây là bước tiến đáng mừng, bởi chuyện này đã được bàn từ lâu rồi, nhưng trên thực tế chưa làm được như vậy. DN nước ngoài cũng sẽ rất hoan nghênh điều này, qua đó chúng ta sẽ cải thiện được môi trường để thu hút đầu tư…

Mặt khác, nếu làm như vậy, bộ máy hậu kiểm của Nhà nước có đủ để đảm đương hay không vì toàn bộ gánh nặng sẽ chuyển về khâu hậu kiểm? Vậy nên nếu giữ bộ máy, cơ cấu tổ chức như hiện nay, ông Lý cho rằng không làm nổi chuyện hậu kiểm này: Chuyện tổ chức và phân công làm hậu kiểm như thế nào cho rõ ràng, chứ như hiện nay là tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ông Đậu Anh Tuấn cũng nhận định thời gian qua có tình trạng DN “ma”, thành lập để mua bán hóa đơn, nợ đọng thuế... rồi bỏ trốn. Theo ông, phải công khai minh bạch mọi thủ tục, hồ sơ... để hạn chế tình trạng công chức nhũng nhiễu, việc áp dụng luật ở các địa phương khác nhau như trong thực tế vừa qua.

Ở góc độ pháp lý, nhiều luật sư lo ngại, quy định mới cho phép công dân có quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà luật không cấm, nhưng đối với ngành nghề có điều kiện thì chưa quy định rõ thế nào. Còn nếu cứ nói cái gì luật không cấm thì được kinh doanh sẽ dẫn đến nhiều bất ổn. Dự thảo Luật DN mới mở bung ra hết, Nhà nước sẽ phải thay đổi rất nhiều luật và văn bản pháp lý liên quan.

Kiều Tuyết