Dự thảo Luật thủy sản (sửa đổi): Nhiều điểm mới - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Thủy sản (sửa đổi). Ảnh: Cổng TTĐT.

Đáng chú ý, Luật thủy sản (sửa đổi) lần này có những điểm mới như: Quy định cấp hạn ngạch Giấy phép thai thác thủy sản và thay đổi thời hạn của giấy phép (Điều 51, Điều 52); Thay đổi tiêu chí cấp Giấy phép khai thác thủy sản và đăng kiểm tàu cá từ công suất máy (CV) sang tổng dung tích (GT) và chiều dài lớn nhất của tàu (Điều 67); Xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá (Điều 68, Điều 69); Quy định quản lý đối với sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản không dùng làm thực phẩm (Điều 39);) Quy định về Kiểm ngư trung ương và Kiểm ngư cấp tỉnh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển (Điều 91)...

Trong đó, với quy định cấp hạn ngạch Giấy phép thai thác thủy sản và thay đổi thời hạn của giấy phép, dự thảo Luật quy định nâng thời hạn giấy phép khai thác từ 12 tháng lên 60 tháng  nhằm giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phù hợp với tình hình thực tiễn; phù hợp với kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (5 năm).

Quy định cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm từng bước quản lý sản lượng khai thác, kiểm soát có hiệu quả các nghề làm suy giảm nguồn lợi thủy sản; kiểm soát đóng mới và phát triển tàu cá theo nhóm nghề; là công cụ quản lý hữu hiệu mà phần lớn các quốc gia hiện nay đang áp dụng để quản lý nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) lần này cũng có quy định: Đổi tên Quỹ từ “Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản” thành “Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản” để mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ vì tái tạo chỉ là một hình thức để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Quy định rõ về quỹ cấp tỉnh nhằm tạo sự chủ động cho địa phương trong việc huy động, tiếp nhận các nguồn lực tài chính và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, triển khai kịp thời trong xử lý các sự cố môi trường gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản, khắc phục thiệt hại thiên tai, dịch bệnh thủy sản trên địa bàn.

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định cụ thể nguồn thu và các nguồn thu này không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

“Nguồn lợi thủy sản là nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó nếu được quản lý chặt chẽ và sử dụng hợp lý sẽ đảm bảo trữ lượng nguồn tài nguyên này phát triển ổn định và bền vững. Quy định trong dự thảo nhằm phù hợp với xu hướng quản lý nguồn lợi thủy sản của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong tình hình nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu suy giảm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật thủy sản (sửa đổi), ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc đổi mới trong việc cấp giấy phép khai thác thủy sản và thống nhất khai thác thủy sản phải được quản lý bằng hạn ngạch để bảo vệ, tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản hợp lý và bền vững. Thời hạn của giấy phép 60 tháng như quy định trong dự thảo Luật (điểm a Khoản 2 Điều 51) là phù hợp với thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản”.

Riêng về thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển (Điều 44), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.

Liên quan tới Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, có nhiều ý kiến đề nghị không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng.

Lý do là Luật Thủy sản năm 2003 tuy đã cho phép thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhưng sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản thì Quỹ chưa đi vào hoạt động. Việc thành lập Quỹ sẽ dẫn đến thêm bộ máy biên chế.

PV