Giàu tiềm năng, thế mạnh
Với vị trí địa lý thuận lợi, Bạc Liêu được xem là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển (KTB). Có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau và biển Đông, cùng bờ biển dài 56km với 4 cửa biển lớn: Gành Hào, Cái Cùng, Chùa Phật, Nhà Mát và vùng đặc quyền KTB rộng hơn 20.742km2, Bạc Liêu rất thuận lợi cho phát triển hoạt động khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái biển. Bên cạnh đó, với vị trí nằm trên các trục đô thị biển Đông, biển Tây và trục hành lang kinh tế Tiểu vùng sông Mê-Kông mở rộng kết nối đường biển trong vùng Nam Bộ và vịnh Thái Lan cũng mở ra nhiều cơ hội trong giao thương về hàng hải với thế giới.
Từ khi có Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết về phát triển KTB và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, Bạc Liêu đã tập trung và huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện vừa phục vụ phát triển sản xuất, vừa kết hợp với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Qua đó, thu hút được nhiều dự án động lực và được bổ sung quy hoạch cho khu vực ven biển như: các dự án năng lượng tái tạo, điện khí; Cảng biển Gành Hào đã được bổ sung vào hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030…, nhất là các dự án nuôi tôm siêu thâm canh đã và đang được nhân rộng. Cũng như các địa phương ở khu vực ven biển hiện nay đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào xây dựng các cụm công nghiệp chế biến hàng thủy sản xuất khẩu và hứa hẹn tạo nên những đột phá mới trong phát triển KTB của tỉnh.
Xây dựng tỉnh mạnh về biển
Với mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về biển, giàu từ biển và phát triển bền vững KTB gắn liền với bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển…, Bạc Liêu sẽ tập trung xây dựng và phát triển các ngành KTB toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao. Cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp, ứng dụng công nghệ cao vào các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Tập trung nguồn lực, phát triển có trọng điểm các ngành kinh tế thuần biển như: nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; dịch vụ, du lịch biển...
Đặc biệt, sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ như: giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc... nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển KTB và bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển đảo, gắn kết với các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển. Phát triển khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển KTB. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có KTB phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện mặt trời, điện khí và là trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước…
Song song đó, phấn đấu đến năm 2025 có từ 5 - 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và đến năm 2030 có từ 10 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trở lên. Tổng số phương tiện tàu cá đến năm 2025 đạt 1.230 chiếc (tàu khai thác xa bờ 820 chiếc) và đến năm 2030 đạt 1.280 chiếc (tàu khai thác xa bờ 850 chiếc). Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 378.700 tấn, năm 2030 đạt 474.500 tấn và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 1,8 tỷ USD…
Để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, Bạc Liêu mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước cùng nhau làm giàu từ biển.
Hải Trung