Trong nỗ lực cải tiến nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam - GIC Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với GIZ hợp tác thực hiện với sự tài trợ của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức. Đây là dự án hỗ trợ các đổi mới sáng tạo trong chuỗi giá trị lúa gạo và xoài.
Dự án được triển khai tại 6 tỉnh thành gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng từ năm 2020-2024. Trong 05 năm triển khai, GIC Việt Nam sẽ hỗ trợ 20.000 nông hộ sản xuất nhỏ cải thiện được chất lượng sản phẩm của mình, nâng cao thu nhập từ 15-20%. 12.000 nông hộ sẽ được đào tạo và áp dụng các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.
Dự án sẽ giúp cải tiến các hệ thống canh tác theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của BĐKH của hai chuỗi giá trị nông sản chủ lực ở ĐBSCL là lúa gạo và xoài.
Ông Oemar Idoe, Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức GIZ cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức bởi tác động của biến đổi khí hậu vì vậy nếu không thay đổi mô hình sản xuất thì nông nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn.
Theo ông Oemar Idoe: “Dự án Trung tâm Đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam GIC cùng các đối tác mong muốn được tiếp cận với các doanh nghiệp, các bên liên quan trọng lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, và công chúng nói chung nhằm giới thiệu cách tiếp cận về đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Đồng thời xác định các cơ hội hợp tác cụ thể và trao đổi về các ưu tiên và mục tiêu cho tương lai. Trong những thời điểm đầy thách thức như hiện nay, đối thoại, phối hợp và hợp tác là cấp thiết, đặc biệt là khi sự thịnh vượng và an ninh lương thực đang gặp nhiều thách thức trên quy mô toàn cầu".
C.H (t/h)