TS. Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam
Những tín hiệu đáng mừng
Hiện nay, giá lợn bán ra đã bắt đầu nhích lên, nhiều thông tin cho rằng, trong thời gian tới, giá lợn sẽ tăng khá mạnh. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng cho Hội Chăn nuôi Việt Nam nói riêng và người chăn nuôi cả nước nói chung. Bởi hơn 3 tháng qua, giá lợn hơi đã liên tục sụt giảm và rơi về vùng đáy của gần 10 năm trước.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, giá lợn đã bắt đầu tăng cả ở miền Nam và miền Bắc, dao động quanh mức 32.000 - 35.000 đồng/kg. Với mức giá này, thực chất người chăn nuôi vẫn đang lỗ, chứ chưa có lãi. Tuy nhiên, theo nhận định của Hội Chăn nuôi Việt Nam, giá lợn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Song để tăng tiếp, nó cần phải có thời gian, ít nhất là khoảng cuối tháng 8, giá lợn mới có thể cán mốc 43.000 – 45.000 đồng/kg. Nhiều người kỳ vọng, thậm chí giá có thể cao hơn là hoàn toàn không khả thi, rất khó để tăng đến mức cao như thế trong thời gian ngắn. Thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng, nhưng mức tăng sẽ không có nhiều đột biến.
Theo phân tích kỹ thuật, để sản xuất ra 1 kg lợn hơi, người chăn nuôi phải chi phí khoảng 36.000 - 38.000 đồng (bao gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc…). Tùy theo trang trại nuôi bao nhiêu con/lứa, áp dụng công nghệ gì, nếu chăn nuôi lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, giá thành sẽ giảm hoặc tăng lên. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh, với giá 35.000 đồng/kg hiện nay, người nuôi vẫn lỗ.
Như thế có nghĩa, từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ tiếp tục tăng và khá ổn định. Ông có thể cho biết rõ hơn?
Về mức tăng giá cụ thể, theo nhận định của Hội Chăn nuôi Việt Nam dựa trên tình hình và bối cảnh hiện nay, khoảng 1 tháng nữa (cuối tháng 8), giá lợn có thể tăng lên và dao động ở mức 43.000 đồng/kg và người chăn nuôi sẽ có lãi. Đạt được mức tăng này là tín hiệu rất đáng mừng; tới tháng 9, giá lợn có thể đạt ngưỡng 44.000 đồng/kg. Từ tháng 10 trở đi, giá lợn sẽ tiếp tục tăng và người nuôi sẽ tiếp tục có lãi lớn hơn. Và đến tháng 1 – 2/2018, thời điểm cận Tết Nguyên đán, giá lợn có thể đạt tới mức 45.000 đồng/kg.
Giá lợn của nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Miền Nam Trung Quốc, đang trải qua đợt mưa lũ lớn, sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi, sản lượng lợn của họ sẽ giảm, do đó trong thời gian tới, giá lợn sẽ tiếp tục tăng mạnh. Quan điểm của ông?
Theo tôi được biết, hiện nay giá lợn bà con đang bán cho thương lái Trung Quốc, qua đường tiểu ngạch đang ở mức 33.000 đồng/kg. Còn giá lợn nội địa của Trung Quốc, khoảng 44.000 - 50.000 đồng/kg, rõ ràng mức giá đó đang cao hơn giá lợn của chúng ta.
Về thị trường Trung Quốc, tôi cho rằng chúng ta cần có góc nhìn, góc tiếp cận bình tĩnh, thận trọng, bởi qua nhiều năm chúng ta đã nhận thấy thị trường này không ổn định, khó dự đoán.
Hiện nay, mức giá 33.000 đồng/kg là bình thường. Nhưng khi Trung Quốc mở đường xuất khẩu chính ngạch, với sức tiêu thụ lớn và giá chênh lệch giữa 2 thị trường, rất có thể sẽ đẩy giá lợn hơi trong nước tăng lên. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh một lần nữa là chúng ta phải thận trọng với thị trường này.
Theo dõi sát thị trường
Hơn 3 tháng qua, giá lợn liên lục sụt giảm và đến nay mới có dấu hiệu hồi phục. Sự biến động này, đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, chăn nuôi?
Khoảng 10 năm trở lại đây, có lẽ chưa năm nào tình hình ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng lại ảm đạm, thê thảm như hiện nay. Đặc điểm của ngành chăn nuôi là thường hay biến động, tuy nhiên những năm trước, biến động tăng - giảm chỉ dao động nhẹ, có lúc người chăn nuôi lỗ, nhưng sau đó lại lãi.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hầu hết người chăn nuôi rơi vào tình cảnh thua lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã buộc phải bỏ chuồng, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi lớn cũng phải bỏ chuồng hoặc nuôi cầm chừng. Nói chung, người chăn nuôi lợn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, điều này sẽ tác động không nhỏ tới ngành chăn nuôi lợn nói riêng và toàn ngành chăn nuôi nói chung.
Các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò như thế nào đối với ngành chăn nuôi lợn, trong thời gian qua?
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện chúng ta đã sản xuất được khoảng 29 triệu con lợn, bình thường các năm trước là trên 30 triệu con. Nếu sản xuất 29 triệu con, tôi cho rằng sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước. Phải duy trì ở mức 30 triệu con là cân đối, nếu sản xuất nhiều hơn con số 30 triệu con, tôi e rằng cung sẽ vượt cầu, lúc đó cả xã hội lại phải lao vào giải cứu!
Như các nước, cơ quan quản lý có vai trò rất quan trọng, vì họ có trách nhiệm định hướng, quản lý, phân phối sản phẩm người chăn nuôi làm ra. Ở nước ta cũng vậy. Song hiện nay, tôi thấy Nhà nước chưa hỗ trợ gì nhiều cho người chăn nuôi lợn, khiến nông dân vẫn làm theo phong trào. Thấy giá cao thì ồ ạt nuôi, đến khi giá sụt giảm cũng bán, lỗ hết vốn lại bỏ chuồng…
Theo như ông nói, sự tương tác – hỗ trợ giữa cơ quan quản lý nhà nước và người chăn nuôi trong thời gian quan chưa được tốt. Vậy trong thời gian tới, việc cần phải làm là gì?
Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sát sao hơn nữa, thường xuyên thông báo cho các hộ chăn nuôi biết tình hình diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, để từ đó người chăn nuôi biết phải nuôi với số lượng như thế nào là vừa. Chăn nuôi - cần phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ để nâng cao chất lượng thịt. Cần quy hoạch lại chăn nuôi lợn, giảm dần số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung đầu tư chăn nuôi lớn, quy mô khép kín, theo chuỗi.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần tiến tới hợp tác với nhau thành tổ, đội, hợp tác xã sản xuất, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Nhà nước và các cơ quan liên quan cần làm tốt khâu thông tin thị trường, nhận định thị trường, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu thịt lợn và các loại thịt khác.
Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp, liên kết chặt chẽ với người dân. Một khi Nhà nước và nhân dân cùng vào cuộc, tôi tin rằng, thời gian tới, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng sẽ phát triển ổn định, bền vững. Còn nếu người dân vẫn phải tự “bơi”, thì rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Phan Chinh (Thực hiện)