Tại hội thảo về thị trường hàng không do VNA tổ chức chiều 12-6, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển VNA khẳng định, hiện hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế trên cơ sở sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và các quốc gia.
Để thực hiện điều này, VNA đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để bảo đảm an toàn dịch tễ cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng.
Đường bay quốc tế dự kiến hoạt động trở lại trong tháng 7
“Dịch Covid-19 khiến ngành hàng không thiệt hại nặng nề và hồi phục sẽ rất lâu vì hiện trên thế giới vẫn còn hơn 50% số tàu bay đang nằm đất. Đến cuối tháng 5 vừa qua, VNA đã hồi phục lại 100% các đường bay nội đội, cùng đó mở thêm 13 đường bay mới. Kích cầu nội địa với các hoạt động du lịch và tạo cầu nối giao thương trong nước quay trở lại bình thường”, ông Trung cho hay.
Trả lời về việc khôi phục các đường bay nhưng khách còn ít và có thể lỗ so với tàu nằm đất, ông Trung cho rằng, hệ số lấp đầy ghế của VNA lên tới 85% trong tháng 5 và 6. Việc khai thác sẽ hiệu quả do phần doanh thu đem lại vẫn lớn hơn chi phí cố định phát sinh mỗi tháng mất tới 2.100 tỷ đồng/tháng cho nên bay hay không bay vẫn chi trả số tiền này. Nếu được phép bay, hãng sẽ bù đắp thêm được 500 - 600 tỷ đồng hỗ trợ cho chi phí cố định.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 9-6 vừa qua, về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Hiện, VNA đã triển khai khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - Seoul (Hàn Quốc) với tần suất 5 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7 tới để chở khách Việt Nam sang Hàn Quốc.
Mặt khác, hãng cũng đã sẵn sàng khai thác các thị trường Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN ngay trong tháng 7 tới khi Chính phủ cho phép nối lại các đường bay đồng thời chuẩn bị các phương án bay lại châu Âu vào cuối năm nay.
Cụ thể, dự kiến trong tháng 7, hãng sẽ khai thác đường bay đi Hồng Công (Trung Quốc) với tần suất ba chuyến từ TP Hồ Chí Minh và 4 chuyến từ Hà Nội. Đường bay TP Hồ Chí Minh - Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến cũng sẽ trở lại trong tháng 7 với tần suất 3 chuyến/tuần và Hà Nội - Đài Loan với tần suất 4 chuyến/tuần.
Các đường bay Đông Nam Á cũng được VNA lên kế hoạch khai thác trở lại trong tháng 7 như TP Hồ Chí Minh - Bangkok (Thái Lan) được hãng dự kiến khai thác từ ngày 9-7 với tần suất 7 chuyến/tuần, tương tự là đường bay Hà Nội - Bangkok từ ngày 2-7 với tần suất 7 chuyến/tuần.
Với hãng hàng không Bamboo Airways cũng cho biết bay lại các chuyến quốc tế từ ngày 1-7 với các hành trình Hà Nội đến Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 7 chuyến một tuần. Từ ngày 1-9, hãng này dự kiến có thêm chặng Đà Nẵng, Cam Ranh đi Incheon với tần suất 14 chuyến mỗi tuần. Đến ngày 25-10, Bamboo Airways sẽ tung thêm 10 đường bay quốc tế, trong đó có các hành trình đi Melbourne (Australia) và Praha (Séc).
Cao Huyền