Theo đó, tại hội nghị, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng cho biết, năm 2023, tổng doanh thu các đơn vị tại đường sách đạt 59,32 tỷ đồng, số bản sách bán ra đạt gần 720.000 cuốn, tăng 15% so với năm 2022.

Về lượt khách đến với Đường Sách trong năm nay ước tính tăng 10% so với năm 2022; khách bắt đầu đông dần từ cuối quý 3 sang đến hết quý 4, đặc biệt là du khách quốc tế. Sự gia tăng này một phần do Đường Sách trở thành một trong 10 điểm mua sắm thú vị do giới chuyên môn và người tiêu dùng du lịch bình chọn.

Người dân, du khách đến tham quan, mua sách tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh
Người dân, du khách đến tham quan, mua sách tại Đường sách TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Tuyết)

Trong năm 2023, tại Đường Sách TP. Hồ Chí Minh diễn ra 252 chương trình, trong đó có 22 chương trình chủ điểm gắn với các sự kiện phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục, phát triển văn hóa đọc, 109 chương trình giao lưu giới thiệu sách, 23 hoạt động giao lưu với học sinh các trường tiểu học, trung học về lợi ích của việc đọc sách để gieo niềm tin và thói quen đọc sách cho học sinh thông qua “Du hành vui cùng sách”, “tiết học mở rộng ngoài nhà trường”,  hoạt động trưng bày, triển lãm tư liệu, giới thiệu tủ sách theo chủ đề, trưng bày sách xưa, triển lãm các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, báo chí.

Ngoài ra, có 15 chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật trong đó có một số hoạt động được tổ chức về đêm (tăng gấp đôi so với 2022), 12 Hội sách gồm Hội sách chào mừng Tết Nguyên đán, Hội sách Thiếu nhi  thành phố, Hội sách Xuyên Việt, Hội sách giáng sinh, các Hội sách mini của các đơn vị tại Đường Sách… (tăng gấp đôi 2022), Hơn 60 hoạt động tương tác, trải nghiệm, phát triển kỹ năng, trong đó có 4 hoạt động diễn ra cố định vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần.

Phát biểu tại chương trình, Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố xác định chủ trương đầu tư phát triển cho xuất bản, cho văn hóa đọc, trong đó Đường sách TP. Hồ Chí Minh và Đường sách TP. Thủ Đức là trọng tâm của đầu tư, hỗ trợ của thành phố.  Ông Lâm Đình Thắng cũng lưu ý, cần có sự cân đối phân bố phù hợp các chương trình để đạt mục tiêu phát triển cả hai Đường sách TP. Hồ Chí Minh và Đường sách TP. Thủ Đức.

“Để xây dựng thói quen đọc sách và phát triển văn hóa người dân thì bắt đầu từ các em thanh thiếu nhi. Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh cùng Công ty Đường sách TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo có thể có chương trình ký kết phối hợp, để tổ chức các chương trình ngoại khóa của các em học sinh trên địa bàn thành phố. Tôi đề nghị Đường sách tiếp tục tham gia có hiệu quả các hoạt động chính trị của TP. Hồ Chí Minh về xuất bản và văn hóa đọc như phát triển đường sách, không gian sách. Vì theo chủ trương của thành phố là 4 trục Đông - Tây - Nam - Bắc của TP. Hồ Chí Minh đều có không gian sách, hoặc đường sách để người dân thành phố đều có điều kiện thụ hưởng” - ông Lâm Đình Thắng đề nghị.

Hoàng Bách