Ngày 26/11, nhiều tuyến đường ở TP HCM vẫn ngập nặng sau bão số 9. Nhiều phương tiện giao thông chết máy khi đi qua những điểm ngập nặng. Tại đường Huỳnh Tấn Phát đoạn qua phường Phú Mỹ, quận 7, một đoạn đường ngập sâu từ 0,6 đến 0,7 mét, kéo dài khoảng 200 mét khiến giao thông khu vực nầy bị tê liệt. Đa phần xe máy qua đoạn này đều chết máy. Ở những điểm ngập nặng, mỗi khi có ô tô đi qua liền tạo thành những đợt sóng lớn như sóng biển tạt vào các phương tiện trên đường.
Theo ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết hoàn lưu bão số 9 khiến các tỉnh Nam Bộ mưa to. Trong đó khu trung tâm TPHCM đạt kỷ lục từ trước đến nay về thời gian cũng như vũ lượng mưa.
Theo đó, lượng mưa đo được ở các trạm đều ở mức cao, quận 1 là 301 mm, huyện Nhà Bè là 345 mm, huyện Cần Giờ là 293mm, và cao nhất ở quận Tân Bình là 407.6 mm.
Trận mưa tối ngày 25/11 đã gây ra khoảng 60 điểm ngập trên địa bàn TPHCM và đến sáng nay, nhiều nơi vẫn còn ngập sâu ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Theo ông ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, do ngập trên diện rộng kết hợp mưa với triều cường nên công tác khắc phục gặp khó khăn. Đêm qua, các đơn vị huy động gần 700 người, vận hành 27 máy bơm công suất từ 168 đến 64.000m3/giờ để hỗ trợ những khu vực ngập nước.
Trong khi đó, người dân thành phố sống trong cảnh khốn khổ vì mưa ngập, thậm chí nhiều người có nhà mà không thể về. Chia sẻ về điều này chị Ngọc Hiếu (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) cho biết: “Tối qua cả nhà tôi phải đi tránh nước, nước mưa, nước cống tràn vào nhà, không biết kê cái nào, bỏ cái nào. Lại sợ nước mưa làm điện rò rỉ nên cả nhà đóng cửa ra khách sạn ngủ. Sáng nay vẫn không về nhà được vì nước chưa rút. Đồ đạc chắc hư hết rồi!”
Hai vợ chồng chị bị khuyết tật vận động, di chuyển bằng xe lăn nên khi nước tràn vào nhà không kịp dọn dẹp mà lo đi sơ tán. Chị Hiếu cho biết, đến sáng nay, hàng xóm nhắn tin khu vực nhà chị nước chưa rút nên chị và con gái ở lại khách sạn “cố thủ”, chồng chị quay trở về dọn dẹp.
“Chồng tôi về nhà chứng kiến cảnh kinh hoàng. Đồ đạc trôi tứ tung, rác ngập nhà. Phòng trọ thấp nên chìm trong nước, đồ đạc hư hết. Cái tủ lạnh đáng giá nhất hư rồi”, chị Hiếu thở dài.
Tương tụ, chị Ngọc, công nhân làm việc tại Cty TNHH SX&TM Trường Lợi (KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Cả đêm thức tát nước, sáng nay đi làm sớm, lên nhà xưởng mà hai con mắt ríu lại. Tay mỏi nhừ vì tát nước, chân thâm vì ngâm cả đêm dưới nước”.
Chị Ngọc cho biết, chị ở tại quanh khu vực cầu Gò Dưa. Nước từ dưới cống, hố ga dâng lên tràn vào nhà hôi không chịu nổi nên phải thức để tát nước. “Nếu nước mưa không đã đành, đằng này nước cống, nước thải thấm vào đồ đạc. Cả nhà tôi trắng đêm tát nước, thở đến không ra hơi”.
Được biết nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn...
Dưới đây là hình ảnh chúng tôi ghi lại sáng nay ngày 16/11, sau khi cơn bão số 9 suy yếu:
Dòng người nhích từng chút một trong biển nước trên đường Sô Viết Nghệ Tĩnh sáng ngày 26/11
Người dân TP phải kết bè để di chuyển
Dòng xe cộ cố vượt qua các điểm 'tụ nước' trưa 26/11.
Khu vực đường Quốc Hương (Phường Thảo Điền) vẫn còn ngập lút bánh xe máy sau trận mưa lịch sử biến phố phường thành biển nước khổng lồ
Đến trưa 26/11, nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM vẫn còn ngập nặng sau cơn bão số 9 (bảo Usagi). Nhiều người dẫn sử dụng các tấm xốp lớn kết thành bè để bơi qua vùng ngập nước.
Hải Đăng