Phiên đấu giá có một nhà đầu tư tổ chức và hai nhà đầu tư cá nhân tham dự với khối lượng cổ phần đăng ký mua đạt hơn 4,225 triệu cổ phần, gấp 1,04 lần khối lượng cổ phần chào bán. Mức giá đặt mua cao nhất đạt 18.100 đồng/cổ phần, mức giá đặt mua thấp nhất là 17.940 đồng/cổ phần.

Kết quả sau phiên đấu giá, EVN đã bán hết toàn bộ 4,075 triệu cổ phần (100% khối lượng chào bán) cho ba nhà đầu tư gồm một nhà đầu tư tổ chức và hai nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân 17.946 đồng/cổ phần, cao hơn 6 đồng/cổ phần so với mức giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 73 tỷ đồng.

Sau khi EVN thoái vốn, Phong điện Thuận Bình còn 4 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) nắm giữ 25%; Công ty Thủy điện Đa nhim - Hàm Thuận - Đa Mi nắm giữ 20%; Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Mơ nắm giữ 20% và Tư vấn Xây dựng Điện 3 (HNX: TV3) nắm giữ 10%.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

CTCP Phong điện Thuận Bình có ngành nghề kinh doanh chính là đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió, mặt trời, điện rác thải… và cung cấp dịch vụ tư vấn trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các dự án năng lượng tái tạo.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình đã xây dựng và đưa dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc (giai đoạn một) vào hoạt động từ tháng 9/2016 với công suất 24MW, đồng thời công ty đang nghiên cứu và triển khai một số dự án điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh Bình Thuận, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Gia Lai, tỉnh Đắk Lắk với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên 1.000MW; trong đó công suất lắp điện gió khoảng 510MW và Mặt Trời khoảng 570MW.

Ngọc Linh