Tổng công ty đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để hoàn thiện mô hình Lưới điện thông minh (Smart Grid). Cụ thể, đã đưa vào vận hành hệ thống thu thập, giám sát và điều khiển từ xa lưới điện phân phối (SCADA/DMS) giúp việc theo dõi sự cố mất điện, cảnh báo tình trạng đầy tải, quá tải, lệch điện áp được thực hiện dễ dàng, thuận tiện. Từ đó, EVNHCMC nhanh chóng cô lập các phần tử lưới điện bị sự cố khỏi hệ thống, nhanh chóng khôi phục cấp điện cho khách hàng không bị ảnh hưởng. Hiện toàn bộ trạm biến áp 110 kV do EVNHCMC quản lý đều được vận hành tự động, không người trực.
EVNHCMC cũng đã hoàn tất lắp đặt và đưa vào vận hành 1.710 thiết bị đóng/cắt (Recloser) và tủ trung thế (RMU) có chức năng giám sát, điều khiển từ xa trên lưới trung th. Đầu tư trang bị, thiết lập kênh truyền để kết nối các thiết bị đóng cắt nêu trên với hệ thống SCADA/DMS trung tâm. Hoàn thiện hạ tầng mạng cáp quang SCADA để triển khai tự động hóa có yêu cầu cao về độ ổn định, tin cậy đường truyền. Từ năm 2018, EVNHCMC đã vận hành lưới điện theo phương châm “Chuyển tải trước, xử lý sau” cho tất cả các sự cố xảy ra trên lưới điện 22kV. Nhờ vậy, việc cung cấp điện được tái lập với thời gian dưới 5 phút (đối với khu vực không bị ảnh hưởng sự cố), góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.Trung tâm Điều độ Hệ thống điện TP Hồ Chí Minh
EVNHCMC cũng đang triển khai sử dụng công tơ thông minh có tích hợp công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa. Công nghệ này được sử dụng rộng rãi trên thế giới như công nghệ truyền dữ liệu trên các đường dây tải điện (PLC), truyền qua mạng lưới sóng vô tuyến (RF-MESH) và thu thập dữ liệu trực tiếp từ điện kế thông qua modem GPRS/3G. Các công tơ này có khả năng đo đếm chính xác, đạt yêu cầu theo quy định. Bên cạnh việc đó, công tơ thông minh còn cho phép mở rộng thêm các ứng dụng phục vụ công tác vận hành, quản lý mà công tơ cơ không thể đáp ứng được. Cụ thể, công tơ thông minh có thể đo đếm được dòng điện, điện áp, công suất phản kháng, hệ số công suất. Tính đến thời điểm này, EVNHCMC đã lắp đặt được 1.203.501 công tơ có chức năng thu thập dữ liệu từ xa, chiếm 46,8% tổng số công tơ của khách hàng.
Hiện tại, EVNHCMC đang từng bước đưa vào áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến CBM (Condition – Based Maintenance). Việc áp dụng phương pháp CBM đã giúp EVNHCMC sớm phát hiện các nguy cơ có thể gây ra sự cố để đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời. Trước đây việc thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng cho một trạm điện thường được thực hiện theo nguyên tắc định kỳ, với thời gian 3 năm, dẫn đến có trường hợp không cần thiết hoặc không kịp thời. Khi áp dụng phương pháp CBM sẽ giúp hợp lý hóa công tác sửa chữa bảo dưỡng cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế và đặc biệt góp phần ngăn ngừa được các sự cố để đảm bảo vận hành an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC: “Trong thời gian tới EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai xây dựng và vận hành hiệu quả mô hình lưới điện thông minh; trọng tâm là cấu phần tự động hóa lưới điện toàn diện từ cấp điện áp 110kV đến trung, hạ áp và chuyển đổi số hóa toàn diện trong công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành. Áp dụng mô hình tiên tiến về công tác bảo trì, bảo dưỡng lưới điện phân phối theo điều kiện vận hành thực tế và hướng tới độ tin cậy, từng bước nâng cao chất lượng công tác quản lý tài sản. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong công tác hiện đại hóa lưới điện, góp phần thực hiện định hướng xây dựng đô thị thông minh của Thành phố”.
Mạnh Thắng