Nhiều khó khăn, thách thức

Tổng công ty Điện lực miền Bắc quản lý phạm vi địa lý lớn nhất trong các Tổng công ty phân phối, gồm 27 tỉnh miền Bắc. Tốc độ tăng trưởng trong các giai đoạn 2016 - 2019  tăng trung bình 11,47%, công suất, sản lượng điện năm 2019 gấp 1,6 lần so với năm 2015.

Để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất của nhân dân, trong những năm qua, EVNNPC đã tập trung cải tiến, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý vận hành, triển khai cải tạo/xây dựng các công trình điện cấp điện áp 110kV và lưới điện trung/hạ thế.

Với địa hình trải rộng, địa hình phức tạp từ miền núi đến duyên hải, lưới điện tại nhiều khu vực đã vận hành lâu năm…, công tác đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy mùa nắng nóng 2020, EVNNPC phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, diễn biết bất thường của thời tiết ngày càng phức tạp và đặc biệt là thời tiết cực đoan. Năm 2020, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường so với những năm gần đây, hiện tượng mưa đá và giông lốc, sấm sét xảy ra ngay từ dịp Tết Nguyên Đán đến tháng 2 và 3 ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sự cố trên lưới điện 110kV.

EVNNPC đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng, mưa bãoEVNNPC đảm bảo cấp điện mùa nắng nóng, mưa bão

Với sự quyết tâm, phấn đấu nỗ lực giảm sự cố trên lưới điện 110kV từ Tổng công ty đến các đơn vị, tình hình sự cố đã giảm hơn so với năm 2019 mặc dù điều kiện thời tiết có phần cực đoan hơn. Sự cố lưới điện 110kV 3 tháng đầu năm 2020 xảy ra nhiều tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An… do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan mưa sét (53,85%) và giông lốc (19,23%), vi phạm hành lang (23,08%).

Do tỷ lệ thành phần điện Quản lý - Tiêu dùng dân cư chiếm tỷ trọng khoảng 30%, nên trong đợt nắng nóng, hầu hết các tỉnh đều có mức tăng sản lượng cao đột biến (từ 10% - 15%). Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài làm giảm hiệu suất mang tải của thiết bị, huy động công suất của các nhà máy điện, làm tăng nguy cơ xuất hiện bất thường hoặc sự cố trên lưới, ảnh hưởng đến vận hành ổn định của lưới điện.

Thách thức trong công tác vận hành, linh hoạt cấp điện do quy mô, kết cấu lưới điện ngày càng mở rộng: Nguồn thủy điện tập trung khu vực phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nguồn nhiệt điện tập trung tại khu vực phía Đông Bắc Bộ trong khi đó phụ tải tập trung chính tại các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Ảnh hưởng đến mức mang tải của các đường dây do huy động trào lưu công suất và tổn thất điện năng. Ngoài ra, do mua điện Trung Quốc nên lưới điện bị phân chia thành các khu vực vận hành độc lập, ảnh hưởng tính linh hoạt trong vận hành tại các khu vực nhận điện Trung Quốc và khu vực nhận điện Việt Nam lân cận.  

Ảnh hưởng của dịch Covid -19 dẫn tới tiến độ cung cấp vật tư thiết bị từ nước ngoài bị ảnh hưởng. Việc giãn cách xã hội  khi triển  khai chỉ thị 16/CT-TTg của chính phủ dẫn đến tập trung nhân công/vật lực có thể bị gián đoạn. Các dự án nguồn/lưới điện điện có thể bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến cấp điện cho mùa hè và sản xuất quay trở lại sau khi hết dịch.

Lưới điện tại một số khu vực vận hành lâu năm, xuống cấp, ảnh hưởng của yếu tố môi trường đến công tác vận hành an toàn lưới điện: Tỷ lệ đường dây, TBA cũ, vận hành lâu năm và tiết diện nhỏ, chưa đạt chuẩn N-1 vẫn còn. Chi phí đầu tư cải tạo rất lớn cần lộ trình cải tạo, hiện đại hóa lưới điện. Môi trường vận hành thiết bị tại nhiều khu vực có sự thay đổi nhiễm bụi bẩn, hóa chất, quá trình đô thị hóa phát triển nhanh, dẫn tới việc san lấp mặt bằng tại nhiều doanh nghiệp diễn ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo quy định của các đơn vị liên quan để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện.

Mặc dù có ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng lũy kế 5 tháng đầu năm 2020, công suất sử dụng Pmax đạt 12.253 MW, sản lượng điện ngày max đạt 259 tr.kWh đã vượt công suất đỉnh của năm 2019 (rơi vào cao điểm nắng nóng tháng 7,8/2019).

Bảo đảm cung cấp điện ổn định

Tháng 5/2020 thời tiết xuất hiện nắng nóng cao độ nên công suất và sản lượng ngày bình quân tăng so với tháng 4 năm 2020.

Sản lượng điện tháng 5/2020 tăng 5,59% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất max tăng 10,28% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất và sản lượng đều tăng tương đối cao do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng đỉnh điểm là tuần 21/2020 với nền nhiệt phổ biến 37-39 độ C, một số khu vực trên 40 độ C.

5 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó, thành phần công nghiệp xây dựng tăng trưởng 3,9%, quản lý tiêu dùng tăng 5,36%. 5 tháng đầu năm 2019, mức tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC đạt 9,29% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, thành phần công nghiệp xây dựng tăng trưởng 8,47%, quản lý tiêu dùng tăng trưởng 9,45%.

Thay máy biến áp Cầu Sắt 2 tại TP. Nam Định nhằm đảm bảo cấp điện ổn định mùa nắng nóngThay máy biến áp Cầu Sắt 2 tại TP. Nam Định nhằm đảm bảo cấp điện ổn định mùa nắng nóng

Vượt qua những khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của ngành điện nói chung và của Tổng công ty nói riêng, EVNNPC đã đảm bảo cấp điện ổn định phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, cấp điện cho các khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19 và các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn miền Bắc bằng nhiều giải pháp.

Cụ thể, về công tác chỉ đạo điều hành, Tổng công ty quán triệt tuân thủ các quy trình, quy định trong quản lý vận hành lưới điện; tổng rà soát các tồn tại trên lưới điện và tập trung xử lý trước mùa mưa bão năm 2020, có phương án huy động tập trung nhân lực theo cụm để đảm bảo tiến độ xử lý khiếm khuyết trên lưới 110kV trong tháng 3&4/2020, giảm thiểu nguy cơ sự cố lưới điện.

Triển khai trang bị các công cụ, dụng cụ hiện đại phục vụ công tác quản lý vận hành, phát hiện sớm các nguy cơ sự cố và sửa chữa bảo dưỡng lưới điện hotline (sửa chữa không cắt điện) để tăng độ tin cậy cấp điện.

Về công tác triển khai thực hiện, phối hợp công tác, vận hành lưới điện: Các đơn vị lập phương án cấp điện theo các chế độ vận hành và phương án cấp điện trường hợp thời tiết cực đoan. Tuân thủ mệnh lệnh chỉ huy điều độ, đảm bảo tính thời gian thực và các giải pháp tối ưu trong vận hành. Huy động công suất thủy điện nhỏ trong khu vực, đặc biệt là huy động công suất vào các khung giờ cao điểm nắng nóng.

Hoàn thiện các dự án trung và hạ áp để san/cân đối phụ tải. Cân đối kết dây trung thế, khai thác hiệu quả các công trình mới. Rà soát, thay thế các ATM tại các khu vực có phụ tải tăng cao đột biến vào cao điểm nắng nóng mùa hè.

Tiếp tục rà soát và đảm bảo hoạt động tin cậy, ổn định của các rơ le bảo vệ tần số thấp tại các TBA 110kV.

Phối hợp với Công ty mua bán điện/A1 trong việc tăng khả năng mua điện Trung Quốc qua các đường dây 220kV Guamam, Malutang để đảm bảo cân bằng, cung ứng điện.

Phối hợp với chính quyền, truyền thông địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn các công trình lưới điện và tiết kiệm điện đối với khách hàng sử dụng điện trên địa bàn quản lý của đơn vị; Triển khai DR phụ tải, đặc biệt với các khách hàng đã ký kết thực hiện,… ưu tiên cấp điện phục vụ dân sinh, y tế, cộng đồng đặc biệt là trong thời gian nắng nóng sắp tới.

Cán bộ Công ty Điện lực Quảng Ninh tuyên truyền về tiết kiệm điện cho khách hàngCán bộ Công ty Điện lực Quảng Ninh tuyên truyền về tiết kiệm điện cho khách hàng

Thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm/giải tỏa thủy điện trên địa bàn EVNNPC quản lý. Phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng. Từ đầu năm đã đóng điện thêm 2 TBA mới, nâng công suất, lắp máy biến áp T2 lưới điện 110kV với tổng dung lượng tăng gần 500MVA, cải tạo lưới điện, hoàn thiện các mạch vòng trung áp… tại các khu vực đặc biệt là các khu vực phụ tải lớn để ổn định, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.

Trong đầu tư xây dựng, tháng 5/2020, Tổng công ty đã khởi công 7 công trình; đóng điện được 4 công trình. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2020: Khởi công 20/65 công trình, đạt 30,7% kế hoạch năm và đóng điện 22/81 công trình, đạt 27,5% kế hoạch năm…

Minh Anh