Đây là hoạt động thường niên nhằm kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị, ứng phó, công tác chỉ huy phòng chống thiên tai, triển khai phương châm 4 tại chỗ trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý sự cố của Tổng công ty, các đơn vị từ đó rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để: Khắc phục nhanh hậu quả, sự cố do thiên tai, kịp thời khôi phục điện cho khách hàng, nâng cao độ tin cậy và sự hài lòng của khách hàng; Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra.

Đồng thời, rèn luyện kỹ năng, chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp trong việc thực hiện công việc trên lưới điện, thực hiện các thủ tục, biện pháp an toàn (BPAT) khi xử lý các sự cố do thiên tai (mưa bão, ngập lụt…) gây ra.

Nâng cao kỹ năng, kiến thức cho CBCNV trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị nạn do thiên tai.

Nâng cao chất lượng công tác phối hợp, huy động các nguồn lực nội bộ Tổng công ty, Công ty, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông trong việc khắc phục hậu quả thiên tai.

Kiểm tra, đánh giá về công tác chỉ huy điều độ lưới điện, chuyển đổi phương thức để xử lý sự cố lưới điện và hệ thống viễn thông kết nối với Trung tâm điều khiển (TTĐK) xa, khôi phục cung cấp điện sau mưa bão.

Kiểm tra công tác chỉ huy, phối hợp trong việc chuyển đổi kết nối viễn thông dùng riêng phục vụ công tác điều hành SXKD, công tác điều độ lưới điện của TTĐK xa khi sự cố đường truyền.

Ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phát biểu chỉ đạo và phát lệnh diễn tậpÔng Vũ Anh Phương, Phó TGĐ tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) phát biểu chỉ đạo và phát lệnh diễn tập

Phát biểu chỉ đạo và phát lệnh diễn tập, ông Vũ Anh Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết: Trong các năm qua, trên địa bàn do Tổng công ty quản lý, ngoài các hiện tượng thiên tai thường xuyên xuất hiện như mưa bão, áp thấp nhiệt đới thì với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu còn xuất hiện nhiều hình thái thiên tai cực đoan khác (mưa lớn, giông lốc, ngập lụt, sạt lở, lũ ống, lũ quét, băng tuyết, nắng nóng kéo dài…) với tần suất và cường độ ngày càng lớn, làm thiệt hại không nhỏ cho lưới điện, công trình, hạ tầng viễn thông do Tổng công ty quản lý, gây khó khăn cho việc cung ứng điện, điều hành SXKD, gián đoạn cung cấp điện, tăng chi phí giá thành… Đi kèm với các thiệt hại về tài sản còn có các nguy cơ gây mất an toàn cho người lao động và an toàn điện cho nhân dân.

Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai và công tác quản lý vận hành đối với hoạt động SXKD, hàng năm Tổng công ty cùng với việc ĐTXD, SCL, SCTX củng cố lưới điện, khắc phục các khiếm khuyết trên lưới, mua sắm các thiết bị, phương tiện quản lý vận hành hiện đại, xây dựng văn hóa an toàn, đào tạo huấn luyện tay nghề, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị, khả năng tổ chức triển khai, công tác phối hợp khắc phục sự cố, hậu quả thiên tai luôn được Tổng công ty và các đơn vị chú trọng thông qua công tác diễn tập định kỳ. Từ năm 2018, Tổng công ty đã lồng ghép 3 nội dung: diễn tập PCTT&TKCN - Xử lý sự cố - An toàn trong (gọi tắt là diễn tập 3 trong 1) ở cấp Công ty và cấp Tổng công ty (tối thiểu 1 lần/năm).

Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, đồng thời thực hiện theo Thông báo số 44/TB-VPCP của Văn Phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và triển khai Tuần lễ Quốc gia về phòng chống thiên tai năm 2020 nên thời điểm diễn tập muộn hơn so với hàng năm. Cuộc diễn tập năm nay được tổ chức với các điểm khác so với các năm trước là không lập phương án cho từng công việc, Ban Chỉ huy chỉ đưa ra các tình huống để các đơn vị triển khai thực hiện, đồng thời cuộc diễn tập này cũng huy động nhân lực từ các đơn vị khu vực lân cận (Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, NPSC, ETC1) tham gia với lực lượng đông đảo, thực hiện khối lượng công việc lớn, phương thức công tác kết hợp cả cắt điện và hotline (2 phương pháp xe gầu và bệ đỡ) tham gia diễn tập.

Để buổi diễn tập được thành công tốt đẹp, ông Vũ Anh Phương yêu cầu các đơn vị, các cán bộ tham gia diễn tập: Phải tuyệt đối chấp hành kỷ luật lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa an toàn, trật tự công cộng, thực hiện đúng, đủ các quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định ATVSLĐ, tình huống diễn tập và sự phân công của Ban Chỉ huy. Tham gia, giám sát (đầy đủ thành phần) các tình huống diễn tập tại hiện trường, quan sát đầy đủ công tác diễn tập cứu nạn cứu hộ, tham gia tổng kết rút kinh nghiệm sau diễn tập và nhận xét, đánh giá, đóng góp ý kiến theo sự phân công của Ban Chỉ huy. Các đơn vị, lực lượng tham gia diễn tập phải đảm bảo tuyệt đối an toàn điện, an toàn giao thông trong quá trình thực hiện.

Diễn tập xử lý tình huống thiên tai tại Trung tâm Điều khiển xa Nam ĐịnhMô phỏng giả lập Trung tâm Điều khiển xa phục vụ cuộc diễn tập

Tại Trung tâm Điều khiển xa Nam Định diễn tập 2 tình huống.

Thứ nhất là tình huống mất tín hiệu kênh truyền SCADA từ Trạm 110kV Ý Yên về Trung tâm Điều khiển xa do ảnh hưởng của bão. Theo bản tin dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số N sẽ đổ bộ và ảnh hưởng đến khu vực Nam Định vào khoảng 5h00 ngày 29/5/2020. Thực hiện theo quy định, để đảm bảo vận hành an toàn, Trung tâm Điều khiển xa đề xuất lãnh đạo Công ty thực hiện tái lập ca trực tại trạm E3.15 từ thời điểm 20h00 ngày 28/5/2020 chuyển TBA sang chế độ có người trực truyền thống. Trung tâm Điều khiển xa Nam Định theo chỉ đạo của lãnh đạo Công ty thực hiện tái lập ca trực Trạm 110kV Ý Yên.

Đến 6h00 ngày 29/5 xảy ra sự cố mất kênh truyền từ Trạm 110kV Ý Yên về Trung tâm Điều khiển xa.

Sau khi bão tan, các bộ phận chức năng phối hợp triển khai xử lý sự cố để đảm bảo khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống SCADA về trạm 110kV Ý Yên.

Tình huống thứ hai là Điều hành xử lý sự cố: Bão số N đổ bộ và ảnh hưởng đến khu vực Nam Định vào khoảng 5h00 ngày 29/5/2020, gió giật cấp 11,12 kèm theo mưa lớn gây ra sự cố mất điện nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trong đó, lưới điện 110kV có sự cố TI 112 Trạm 110kV Giao Thủy, các trạm 110kV khác nhảy sự cố một số ngăn lộ đường dây trung áp gây lưới điện cho các địa điểm cấp điện Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện, thành phố, các trạm bơm nước chống úng lụt và phụ tải sịnh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Điều khiển xa Nam Định thực hiện điều hành xử lý sự cố theo phương án Tách - Cô lập sự cố - Chuyển đổi phương thức kết dây để đảm bảo cấp điện trở lại nhanh nhất cho phụ tải, đặc biệt là các phụ tải ưu tiên.

Do thời gian diễn tập hạn chế nên Trung tâm Điều khiển xa thực hiện diễn tập một số tình huống sự cố lưới điện trung áp có cắt điện thật để diễn tập trên hiện trường.

Bà Phạm Thị Thường - Trung tâm Điều khiển xa Nam Định chia sẻ: Buổi diễn tập nhằm giúp CBCNV thành thạo các kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế đảm bảo quy trình, thời gian và hiệu quả công việc.

Diễn tập thay dây và sứDiễn tập thay dây và sứ

Diễn tập thay dây và sứDiễn tập thay dây, sứ

Vệ sinh cách điện bằng nước áp lực caoDiễn tập vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao

Diễn tập tình huống vệ sinh cách điện - khi đường dây bụi bẩn, khấu điện bề mặt, ông Vi Minh Hiển - Cán bộ kỹ thuật Điện lực TP. Nam Định (PC Nam Định) cho biết: Chúng tôi thực hiện những giải pháp vệ sinh cách điện để làm sạch bề mặt cách điện, tránh khấu điện bề mặt. Từ đó giảm sự cố, nâng cao độ tin cậy và cấp điện ổn định cho các phụ tải, đặc biệt là phụ tải Khu công nghiệp An Xá - TP. Nam Định. Sau khi diễn tập các tình huống, chúng tôi rút ra được một số kỹ năng làm việc, xử lý tình huống để làm sao cấp điện ổn định, nhanh nhất cho các phụ tải khi gặp sự cố như giông bão...

Buổi diễn tập đã thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn cũng như hoàn thành tốt các yêu cầu đặt ra.

Ông Trần Mạnh Sỹ - Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định cho biết: Các đơn vị đã hoàn thành tốt, hoàn thành sớm buổi diễn tập, đồng thời hứa sẽ thực hiện tốt hơn nữa để chủ động trong công tác PCTT&TKCN - Xử lý sự cố - An toàn.

Đánh giá và chỉ đạo tại buổi họp tổng kết rút kinh nghiệm diễn tập PCTT&TKCN - Xử lý sự cố - An toàn, ông Vũ Anh Phương ghi nhận và đánh giá cao việc chuẩn bị thực hiện của Công ty Điện lực Nam Định và sự phối hợp của các đơn vị tham gia, dù thời gian chuẩn bị ngắn nhưng với sự sẵn sàng, nghiêm túc, khẩn trương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Buổi diễn tập thành công tốt đẹp, chuẩn bị tốt cho công tác ứng phó với các tình huống, sự cố trong thực tế. Ông Phương mong muốn các đơn vị liên tục rèn luyện, phát huy để làm tốt công tác PCTT&TKCN - Xử lý sự cố - An toàn.

Ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn EVNNPC tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, đồng thời hứa sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị để làm tốt công tác phòng và chống thiên tai, xử lý sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện phục vụ cho nhu cầu SXKD và sinh hoạt của nhân dân.

Minh Anh