Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán chính thống để phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.
Các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán chính thống để phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen

Fundiin - công ty hoạt động trong lĩnh vực mua trước trả sau (BNPL) vừa ký kết hợp tác với Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC). Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu Fundiin trở thành tổ chức tự nguyện của CIC, sau khi vượt qua các vòng thẩm định và đánh giá khắt khe từ phía CIC.

CIC sẽ cung cấp cho Fundiin dịch vụ khai thác các sản phẩm thông tin tín dụng, bao gồm điểm tín dụng của khách hàng vay cá nhân. Với nguồn dữ liệu uy tín từ CIC kết hợp cùng nền tảng công nghệ định danh và thuật toán đánh giá tín nhiệm hiện có, Fundiin có thể đánh giá nhanh chóng và chính xác hơn mức độ tín nhiệm của khách hàng, từ đó đưa ra quyết định xét duyệt hồ sơ khách tốt hơn.

Bên cạnh đó, Fundiin cũng sẽ định kỳ cung cấp cho CIC thông tin tín dụng cũng như mức độ thanh toán đúng hạn của người dùng Fundiin, góp phần giúp CIC cập nhật và hoàn thiện hệ thống dữ liệu tín dụng quốc gia.

Sự hợp tác này nằm trong chiến lược phát triển tín dụng tiêu dùng dài hạn của Fundiin tại Việt Nam.

Do quy mô thị trường thẻ tín dụng đang rất bé, không chỉ các ví điện tử mà một số ngân hàng cũng đang đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng và Fundiin không phải ngoại lệ.

Đại diện Fundiin chia sẻ, dự kiến quý I/2025, Fundiin sẽ tham gia thị trường thẻ tín dụng, và vẫn đang cân nhắc xem phát hành loại thẻ tín dụng nội địa hay quốc tế.

Hiện số lượng thẻ tín dụng nội địa còn quá thấp, chỉ bằng 8% thẻ tín dụng quốc tế và 0,6% thẻ toàn thị trường. Doanh số thanh toán hiện nay mới chỉ đạt từ 0,5-0,9% doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường. Doanh số này vẫn rất thấp so với tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt hơn 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10 nghìn tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị).

Trong đó, nguyên nhân chính khiến thẻ tín dụng nội địa chưa hấp dẫn là do các yếu tố về tâm lý người tiêu dùng, chi phí cơ hội và chi phí tài chính của các tổ chức phát hành...

Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập của người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành... là những lý do khiến thị trường thẻ tín dụng nội địa có rất nhiều tiềm năng phát triển.

Theo đại diện Vụ Thanh toán, với hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới.

Chỉ sau hơn 5 năm hoạt động, Fundiin đã thiết lập nên các chuẩn mực mới trên thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.

Fundiin không có bộ phận thu hồi nợ. Fundiin kiểm soát rủi ro qua việc tập trung đầu tư vào các giải pháp công nghệ và khoa học dữ liệu.

Hiện Fundiin đã hợp tác với hơn 600 đơn vị bán lẻ và thương hiệu lớn như Lotte Cinema, Pharmacity, Guardian, Kidsplaza, mang đến tính năng trả sau cho người dùng tại 63 tỉnh thành cả nước.

Theo Đầu tư Online